Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt

05/09/2023 08:06

Bác Liêm bật khóc khi kể cho chúng tôi nghe những trận ném bom khốc liệt của địch trên tuyến đường 22 chiến lược, vào thời khắc cuối của giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Những con đường máu

Năm mươi năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của bác Lê Văn Liêm (SN 1952, trú phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, ký ức về những trận trải bom trên tuyến đường 22 chiến lược vẫn như vừa mới hôm qua.

Đầu năm 1965, các tuyến đường ngày đêm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt với mưu đồ cắt đứt quốc lộ 1A tại Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và vùng Địa Lợi - Chu Lễ trên đường 15A. Trước tình hình đó, Bộ GTVT chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Tháng 7/1965, Bộ GTVT quyết định mở đường chiến lược số 21, đến cuối năm 1966 mở đường chiến lược số 22.

Sự kiện - Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt

Có khoảng 25km tuyến đường 22 nằm dưới đáy hồ Kẻ Gỗ.

Tuyến đường 21 dài 54km từ Khe Giao (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chạy vào đến Tân Ấp (tỉnh Quảng Bình).

Tuyến đường 22 dài 65km, từ Ngã ba Thình Thình nay thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Đây là 2 tuyến đường để phá thế độc tuyến QL1 cho quân đội ta vận chuyển đạn dược, vũ khí, lương thực chi viện vào chiến trường miền Nam.

Ngày ấy, chàng thanh niên Lê Văn Liêm tham gia thanh niên xung phong khi vừa tròn 20 tuổi. Tháng 8/1972, đại đội 531N53P18 (thanh niên xung phong mở đường) của đơn vị bác Lê Văn Liêm được điều đóng quân, làm tại Km31 đường chiến lược 21. Bác Liêm cho hay, đại đội của bác thời điểm cao nhất lên đến 180 người.

Sự kiện - Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt (Hình 2).

Bác Liêm hào hứng kể lại những ngày tháng cùng đồng đội đào núi, xẻ đường, rà bom cho xe bộ đội đi qua.

“Chúng tôi là những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo thông suốt cho xe của quân đội ta chi viện vào chiến trường miền Nam. Hễ cứ có người hy sinh là đơn vị lại được bổ sung ngay con số để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ”, ánh mắt bác Liêm rực sáng hồi tưởng.

Tháng 10, đại đội của bác tiếp tục được điều động, chuyển vào xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên tại Km25 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ Km20 - Km29 trên tuyến đường chiến lược số 22.

Theo bác Liêm, thời điểm này, cũng trên tuyến đường 22, quân đội ta cho xây dựng sân bay Libi (sân bay dã chiến đóng trong lòng hồ Kẻ Gỗ) khởi công từ Km14 đến Km16.

“Họ làm rất bí mật nên thời điểm đó chúng tôi không biết thuộc đơn vị nào làm, chỉ thấy buổi tối họ gạt phẳng đường 22. Còn ban ngày thì đưa những gốc mua, móc phủ lên nguỵ trang, đến tối thì cất ra để tiếp tục gạt”, bác Liêm kể.

Sự kiện - Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt (Hình 3).

Bác Liêm cùng những người đồng đội bên bia tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại sân bay dã chiến Libi trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

“Tối 7/1/1973, tôi cùng anh em đơn vị đang ở Km25, trú trong hầm, nghe tiếng bom suốt đêm. Đến sáng mai ra mới nghe nói tối qua sân bay Libi bị đánh bom chết 32 người. Có một số thông tin, nói rằng, vụ trải bom B52 xuống sân bay Libi và trên tuyến 22 đi qua hồ Kẻ Gỗ khiến hàng trăm người chết nhưng theo tôi biết thì không có. Có nhiều thông tin cũng nói nhiều chiến sĩ hy sinh bị bỏ sót lại nhưng theo tôi biết thì đã cất bốc hết không thể có chuyện sót lại được. Ngày xưa, tình đồng đội sâu nặng lắm nên một người bị thương, hi sinh là thi thể được đồng đội đưa đi chôn cất cẩn thận, mai táng đến nơi đến chốn. Chính xác là có 32 công nhân hy sinh tại sân bay Libi và có 44 thanh niên xung phong hi sinh trong trận địa pháo”, Bác Liêm nói.

Những hồi ức của cựu thanh niên xung phong Lê Văn Liêm trùng khớp với thông tin mà ông Nguyễn Phi Công, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - người đã dày công đi tìm những mảnh ghép lịch sử về trận B52 thả xuống sân bay LiBi và trên tuyến đường chiến lược 22 đoạn qua hồ Kẻ Gỗ ròng rã suốt 10 năm nay. "Chỉ có 32 công nhân hy sinh trong trận thả bom B52 xuống sân bay Libi và 44 thanh niên xung phong hi sinh trong trận địa pháo", ông Công cho hay.

Kí ức bi tráng

Bất chợt, giọng bác Liêm chùng xuống khi nhắc đến những trận mưa bom mang tên B52 đã trải xuống tuyến đường này

Vào một ngày cuối tháng 9/1972, trong lúc đơn vị bác đang thực hiện nhiệm vụ rà phá bom để đảm bảo an toàn cho đoàn xe quân đội ta đi qua. Trong quá trình rà, một quả bom phát nổ khiến 2 đồng đội của bác là Liệt sĩ Lê Trinh Thứ (quê xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Kỳ Anh) và Liệt sĩ Nguyễn Xuân Báu (quê xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện được chôn cất tại Nghĩa trang Núi Nài) hy sinh.

Sự kiện - Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt (Hình 4).

Giai đoạn cuối của chiến tranh chống Mỹ, các tuyến đường chiến lược đều hứng chịu những trận mưa bom của quân địch (ảnh tư liệu)

“Buổi sáng hôm đó, máy bay địch ném bom liên tục, chúng tôi phải trú ở trong hầm. Đến buổi chiều máy bay thôi quần đảo, cả đại đội chúng tôi mới ra tìm kiếm thi thể của 2 đồng đội hy sinh. Cả đại đội vừa lần tìm, xới đào trong đống đổ nát nhưng không thể ghép nổi thi thể 2 đồng đội Lê Trinh Thứ và Nguyễn Xuân Báu. Cả đại đội gào khóc, tiếc thương. Chúng tôi đã dùng 2 chiếc mũ của Liệt sĩ Thứ và Liệt sĩ Báu để mai táng”, bác Liêm bật khóc.

Ký ức bi tráng trên tuyến đường 22 chiến lược của cựu thanh niên xung phong là những trận mở đường, sửa đường xuyên đêm, là tiếng reo hò khi đoàn xe bộ đội thông tuyến đi qua. Trong ký ức của bác Liêm hình ảnh những tên lửa, pháo tầm xa được quân đội tá rút ra Bắc qua tuyến đường chiến lược này ngỡ như vừa mới hôm qua.

“Cuối tháng 11/1972, từng đoàn xe quân đội ta mang theo tên lửa và pháo tầm xa rút hết ra Bắc để bảo vệ thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ trên không. Thời đó, thông tin tuyệt đối bí mật nên chúng tôi chỉ hỏi thăm được một số thông tin ít ỏi khi bộ đội hành quân qua. Chỉ biết là trong tim khí thế hừng hực, tất cả chung mục tiêu chờ đợi ngày giải phóng”, bác Liêm nhớ lại.

Sự kiện - Kí ức người lính thanh niên xung phong về những trận B52 khốc liệt (Hình 5).

Bác Liêm bật khóc khi nhớ lại sự hi sinh anh dũng của những người đồng đội.

Đến 16/1/1973, đại đội bác Liêm được điều động, rút về làm ở Đèo Ngang. “Lúc này, tôi thấy xe của quân ta chạy được trên đường QL1. Tôi cùng đồng đội vui mừng khôn xiết vì biết xe ta đi được thế này là ngừng chiến rồi”, bác Liêm nhớ lại .

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được kí kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Màu cờ hoa rợp trời khắp Bắc – Trung – Nam, toàn dân, quân vui mừng ngày chiến thắng.

Năm 1974, bác Liêm được cử đi học Đại học Dược, sau đó về công tác trong ngành rồi lập gia đình. Vào mỗi dịp lễ, đại đội bác luôn hội ngộ, cùng đến nghĩa trang liệt sỹ thắp cho anh linh các đồng đội một nén hương thơm.

Năm mươi năm đã trôi qua, nhưng giọt nước mắt người đồng đội vẫn khóc thương cho sự hy sinh anh dũng của những người lính thanh niên xung phong, mãi mãi bỏ lại máu xương trên tuyến đường 22 chiến lược.

"Một con đường xẻ dọc Trường Sơn

 Đường Quyết thắng – nối liền Nam Bắc.

 Thanh niên xung phong lên đường đi đánh giặc

  Mang khí phách anh hùng thời đại Hồ Chí Minh

  Dài rộng con đường ánh sáng niềm tin

  Vượt đạn bom xe lao về phía trước

  Mạch máu giao thông nối liền đất nước

  Có máu xương trai gái mở đường"...

 (Trích thơ Hồ Chí Minh – Con Đường Huyền Thoại)