"Sứ giả" thương mại cho nông sản Việt Nam

15/02/2022 20:08

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có hơn 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với mong muốn mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là một cầu nối, giúp thúc đẩy tiêu thụ nông sản ra với bạn bè quốc tế, đồng thời huy động mọi nguồn lực từ kiều bào nhằm phát triển nền nông nghiệp trong nước lên một tầm cao mới, theo hướng sinh thái, bền vững, thành công gia nhập chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, tối ngày 14/02/2022, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp. Đây là diễn đàn đối thoại đầu tiên giữa ngành nông nghiệp trong nước với doanh nghiệp, kiều bào ngoài nước.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có hơn 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mang trong mình trái tim Việt, đau đáu ước muốn xây dựng quê hương, những người con xa quê hiện đã đầu tư về đất nước khoảng 3.500 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Sự kiện - 'Sứ giả' thương mại cho nông sản Việt Nam

Nhiều dự án nông nghiệp được đầu tư bởi người Việt Nam ở nước ngoài

Nhiều tiềm năng cho lĩnh vực đầu tư nông nghiệp trong nước

Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề Diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, với lợi thế to lớn mà 15 Hiệp định thương mại tự do mang lại, cánh cửa thị trường đã mở toang cho nông nghiệp Việt Nam. Giai đoạn hiện nay là thời điểm “vàng” để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, là thời cơ thuận lợi để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

“Những bà con Việt kiều tại nước ngoài chính là những cầu nối quan trọng, thổi hồn dân tộc, giá trị văn hóa ngàn năm vào các sản phẩm, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đây không chỉ là câu chuyện về mối liên kết tình cảm quê hương mà nó đem đến nhiều lợi ích cụ thể cho những người sản xuất trong nước cũng như kiều bào nước ngoài”.

Sự kiện - 'Sứ giả' thương mại cho nông sản Việt Nam (Hình 2).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT)

Còn theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, gần 30 năm qua, tổng lượng kiều hối đưa về nước khoảng 250 tỷ USD, trong khi đó, tổng nguồn vốn FDI cũng chỉ khoảng 290 tỷ USD.

Có một điều chắc chắn rằng, khi lượng kiều hối đã lớn như vậy thì nguồn lực đầu tư, kinh doanh của kiều bào còn rất nhiều tiềm năng. Nhưng cho đến hiện nay, tổng số vốn đầu tư của kiều bào ở trong nước mới chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. Điều đó có nghĩa rằng, còn một lượng vốn khổng lồ của bà con chưa tập trung vào đầu tư trong nước. Nếu tìm cách khơi thông được nguồn vốn này, cộng thêm đó là trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản trị và mạng lưới tiếp thị cảu cộng đồng kiều bào ở 130 quốc gia trên thế giới, thì sẽ tạo ra động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước, không thua kém nhiều so với khu vực đầu tư FDI.

Sự kiện - 'Sứ giả' thương mại cho nông sản Việt Nam (Hình 3).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Ngành nông nghiệp trân trọng và luôn đánh giá cao những đóng góp, hỗ trợ của bà con kiều bào. Dù xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành một cầu nối để đưa nông sản Việt Nam đến với bạn bè thế giới cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Diễn đàn cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu đến từ nhiều doanh nhân Việt kiều.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, ông Hồ Văn Lâm chia sẻ, các Hiệp định thương mại tự do đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật cho sản phẩm hàng hóa hơn khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp trong nước chưa kịp thay đổi để thích ứng.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam đưa ra 4 ý kiến đóng góp.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của xuất khẩu chính ngạch trong công tác xuất khẩu nông sản, quảng bá hình ảnh Việt Nam, ông Lâm đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tập trung thúc đẩy, khai thác các thị trường tiềm năng thông qua hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để phá vỡ các rào cản kỹ thuật, chính sách bảo hộ, thành công đưa sản phẩm Việt gia nhập thị trường thế giới.

Sự kiện - 'Sứ giả' thương mại cho nông sản Việt Nam (Hình 4).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam, ông Hồ Văn Lâm

Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái Lan- Việt Nam đánh giá, công tác bảo quản và chế biến nông sản trong nước hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nhiều thị trường. Vì vậy, ông kiến nghị cần đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này, thúc đẩy việc cấp chứng nhận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa, nông sản Việt.

Tăng cường đối thoại thông qua các hoạt động, các chương trình giới thiệu doanh nghiệp uy tín, điển hình trong nước, các mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt để giúp cho kiều bào trên toàn thế giới dễ dàng kết nối thương mại, qua đó thúc đẩy công tác thu hút nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều chương trình nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin về các chính sách ưu đãi, đưa doanh nghiệp, kiều bào về nước để tìm hiểu thị trường, tham quan cơ sở sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu chủ lực....

 

Bạn đang đọc bài viết ""Sứ giả" thương mại cho nông sản Việt Nam" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.