Công nhân rất khó khăn, không thể lùi tăng lương

27/04/2022 13:00

Chiều 26/4, Viện Công nhân và Công đoàn (CN&CĐ) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh".

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 . Tuy nhiên, mới đây 8 hiệp hội có lực lượng lao động lớn đã kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.

Tại Hội thảo, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện CN&CĐ nói rằng “đây là lúc cần phải tăng lương”.

“Chúng ta cứ nhìn trên truyền hình, những đoàn xe máy chở công nhân rồng rắn về quê hoặc đến một khu công nghiệp khác để mưu sinh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19... Tài sản của người công nhân, lao động có gì ngoài vợ con họ đang ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải gồm tư trang, quần áo", ông Thọ nói.

Từ đó, ông bày tỏ mong muốn, mỗi người hãy nói lên tiếng nói của mình để không còn ai phản đối tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7/2022.

Điều tra năm 2021 của Viện CN&CĐ cho thấy, trong 2.000 lao động được hỏi, có 56% nói thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; 23% phải chi tiêu tằn tiện mới đủ và 13% thu nhập không đủ sống tối thiểu.

Đặc biệt, có hơn 17,4% lao động có con dưới 18 tuổi nói hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ; 3% lao động chưa bao giờ mua sữa cho con uống. Vì vậy, Viện CN&CĐ nhu cầu tăng lương của lao động là bức thiết nhất lúc này.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của CNLĐ năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho rằng, vấn đề tăng lương không phải là việc thắng – thua. Nếu người lao động được hưởng mức lương cao hơn thì bản thân doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Theo bà Chi, việc công nhân có trở lại nhà máy hay không phụ thuộc vào đối xử của doanh nghiệp với công nhân trong thời gian diễn ra dịch cũng như thời gian sắp tới.

Theo Văn Kiên

Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết "Công nhân rất khó khăn, không thể lùi tăng lương" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.