Vụ chôn vợ chồng cụ ông ngay trong căn nhà tranh chấp: Tính cho con mà, đâu mần giấy tờ gì

28/03/2022 20:17

"Mần sổ chủ quyền cho nó xong rồi, 2 ngày nó bắt đầu chửi mắng tôi. Trời ơi, còn hơn cha mà chửi con nữa", cụ P. đã nói vậy khi còn sống.

Cụ Nguyễn Văn P. (95 tuổi) và Nguyễn Thị T. (92 tuổi, ngụ tại phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) qua đời trước Tết Nguyên đán 2022. Gia đình sau đó đã chôn hai cụ và lập mộ ngay tại căn nhà tranh chấp giữa vợ chồng cụ P. với con trai thứ 4.

Hôm nay (27/3), ông Trương Tấn Nghiệm (Chủ tịch UBND phường 9) trả lời trên tờ Người lao động, giới chức địa phương đã vận động người thân đưa thi thể vợ chồng cụ P. ra nghĩa trang chôn cất, nhưng gia đình cụ chưa đồng ý. Phía gia đình vẫn nhất quyết chôn 2 cụ trong căn nhà từng xảy ra tranh chấp với người con trai.

"Căn nhà này không có người ở và được làm nhà thờ tổ. Đến nay, người con trai từng xảy ra tranh chấp với cha mẹ là vợ chồng cụ P. chưa có phản ứng, yêu cầu gì với địa phương", Chủ tịch Nghiệm cho nguồn trên biết.

Đau xót cảnh cha mẹ già bị con tranh chấp nhà

Tờ Pháp luật TP.HCM cho hay, việc tranh chấp căn nhà trên của gia đình cụ P. đã diễn ra từ lâu. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra năm ngoái, cụ P. sau đó đã làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm, nhưng chưa đợi được thì cả hai cụ qua đời.

Nguồn trên thuật lại, vợ chồng cụ P. còn duy nhất thửa đất 685m2 và ngôi nhà trên đất này, cụ đưa ra yêu cầu người con nào nuôi dưỡng suốt đời sẽ tặng cho ngay toàn bộ. Vào năm 2016, cô con gái tên Nguyễn Thị T. nhận chăm sóc hai cụ nên cụ chuyển tên tặng cho toàn bộ nhà đất.

Chị T. chăm nuôi mới chỉ được 1 năm thì đến năm 2017 cả nhà họp gia đình, chị trả lại 477m2 đất với lý do không đủ sức khỏe để chăm cha mẹ già. Phần đất còn lại chị T. không trả vì đã cất nhà ở.

Lúc này, ông Nguyễn Văn V. (con ruột cụ P. - anh ruột chị T.) được đề xuất nhận tài sản và nhận trách nhiệm chăm sóc hai cụ đến chết. Vợ chồng ông V. được chị T. chuyển quyền sử dụng đất, đứng tên làm chủ, dọn về ở cùng để chăm sóc cha mẹ. Đáng nói, chưa đầy một năm sau đó, vợ chồng ông T. dọn đi không chăm cha mẹ già nữa. Hai cụ đưa ra yêu cầu "không chăm sóc nữa thì trả lại nhà đất để hai cụ giao người khác". Vợ chồng ông V. không đồng ý nên cụ khởi kiện.

Từ khi gia đình ông V. rời khỏi căn nhà, chị T. là người chăm cha mẹ. Khi chị T. thường xuyên phải đi điều trị bệnh thì người anh thứ hai qua chăm. Thời gian cả 2 anh em đều bận, những người hàng xóm tốt bụng qua lại chăm nom, giúp đỡ vợ chồng cụ Nguyễn Văn P.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 11/2020, TAND TP Cà Mau tuyên chấp nhận yêu cầu của hai cụ, buộc ông V. trả lại tài sản cho hai cụ vì đã rũ bỏ trách nhiệm chăm sóc.

Song đến tháng 3/2021, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm vụ án này, tuyên bác toàn bộ yêu cầu của cụ P. Ông V. được hưởng 477m2 đất. Tòa án cho rằng hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện nên cụ P. không thể đòi lại được tài sản.

Nguồn trên cho hay, bản án trên đã gây bức xúc không chỉ cho hai cụ mà khiến những người láng giềng cũng "không tin nổi".

"Mần sổ xong, 2 ngày nó bắt đầu chửi mắng tôi"

Chị Nguyễn Thị T. (con gái thứ 5 của cụ P.) chia sẻ trên tờ Thanh niên online, lúc còn sống, cha chị đã có di nguyện khi chết phải được chôn trong căn nhà này. Trước khi qua đời, cha mẹ chị đã cho ghi lại clip bày tỏ di nguyện cuối cùng với con cháu, đó là được chôn trong chính căn nhà đang tranh chấp của mình.

Đó là tài sản duy nhất của hai cụ tạo dựng hàng chục năm qua, khi thua kiện con trai và mất đi tài sản cả đời, hai cụ không đành lòng, nên muốn được chôn tại nơi đó. "Không cam tâm chuyện thua mất căn nhà và đất cho con trai nên trước khi chết ông di nguyện phải chôn ông, bà trong căn nhà", chị nói với báo Thanh niên.

Tờ Pháp luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của cụ Nguyễn Văn P. vào tháng 7/2021, thời điểm đó vợ chồng cụ P. vẫn còn sống.

Theo lời cụ P. chia sẻ với nguồn trên, ban đầu chị T. (con thứ 5) nuôi hai cụ và được giao chủ quyền mảnh đất, nhưng chị là người không có chồng, lại mang bệnh tật trong người.

Trước tình cảnh cụ P. thì không thấy đường, người vợ già lại bệnh nằm một chỗ, cô con gái biết sẽ không thể chăm cha mẹ già được trọn vẹn, nên nói với cha để nhường tài sản cho vợ chồng anh chị thứ tư, rồi họp gia đình. Nếu vợ chồng anh tư chịu nuôi ba má "suốt đời, nuôi tới chết" thì chị T. nhường lại toàn bộ tài sản, giấy tờ nhà đất.

"Tính cho con mà, đâu có mần giấy tờ gì. Mần sổ chủ quyền cho nó xong rồi, 2 ngày nó bắt đầu chửi mắng tôi, trời ơi, còn hơn cha mà chửi con nữa. Tôi thấy vậy nên thưa ra phường, ra khóm. Cam kết với tôi 1 tháng sẽ sửa đổi lại, nhưng có 7 ngày bắt đầu chửi dữ nữa", cụ P. kể vói PV Pháp luật TP.HCM thời điểm còn sống, vào tháng 7/2021.

Cũng theo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Th. (một trong những người con của cụ P.) kể, mới đầu ở cùng cha mẹ, phía người con thứ tư cũng cãi lộn với cha. Khi cả nhà thỏa thuận, sang tên nhà đất rồi nhưng chỉ được thời gian ngắn, cả gia đình người đó đã dọn đồ bỏ đi.

(Tổng hợp)

https://soha.vn/vu-chon-vo-chong-cu-ong-ngay-trong-can-nha-tranh-chap-khong-dong-y-dua-ra-nghia-trang-20220327142749373.htm