Doanh số của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 2,8 tỷ USD trong quý 1

23/04/2024 20:08

Chưa tính doanh số từ các phiên livestream, 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam hiện nay trong 3 tháng đầu năm đã thu về tới 71,2 nghìn tỷ đồng (gần 2,8 tỷ USD).

Doanh số của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 2,8 tỷ USD trong quý 1- Ảnh 1.


Tăng trưởng bất ngờ

Theo báo cáo mới nhất của Metric, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế đang tạo ra nhiều gam màu tươi sáng cho bức tranh thị trường TMĐT tại Việt Nam, với mức doanh số trên các nền tảng TMĐT lớn nhất (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đạt tổng cộng 71,2 nghìn tỷ đồng, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc lên tới 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. 

Thực tế, sự phát triển của thị trường TMĐT đã vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường TMĐT năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.

Số lượng sản phẩm giao thành công đến tay người tiêu dùng trong ba tháng vừa qua cũng tăng đến 83,21% so với cùng kỳ. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, khiến người dân có xu hướng chi tiêu mạnh mẽ hơn sau giai đoạn khủng hoảng Covid-19. Mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của thói quen tiêu dùng hiện đại.

Doanh số của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 2,8 tỷ USD trong quý 1- Ảnh 2.

Nguồn: Metric

Doanh nghiệp tại địa phương gia nhập cuộc đua Ecommerce

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có doanh số và sản lượng bán dẫn đầu dựa trên địa điểm đặt kho, với tổng cộng chiếm trên 70% toàn thị trường. Tuy nhiên, mức tăng doanh số đột phá nhất thuộc về 4 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Dương; tăng lần lượt 607,09%, 185,26%, 116,74% và 103,05%. Thực tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế, 3 tỉnh thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.

Doanh số của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 2,8 tỷ USD trong quý 1- Ảnh 3.

Nguồn: Metric

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa phương khác đang bước vào một giai đoạn phát triển đầy mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của họ đã vượt qua mức tăng trưởng 50%, thể hiện sự đột phá và quyết tâm trong môi trường cạnh tranh gay gắt. 

Mặt khác, TMĐT ngày càng phổ biến ở các vùng quê và tỉnh thành, tạo ra một thị trường sôi động và đa dạng. Việc đặt kho hàng tại các điểm địa phương không chỉ giảm thiểu thời gian vận chuyển mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng nhanh chóng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Doanh số của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 2,8 tỷ USD trong quý 1- Ảnh 4.

Nguồn: Metric

Quý II/2024, thị trường tiếp tục khởi sắc

Trong triển vọng cho quý II/2024, dự báo từ Metric cho thấy tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng, với 882,12 triệu sản phẩm được bán ra. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng ổn định so với quý trước, đồng thời mở ra triển vọng tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, môi trường địa chính trị không ổn định có thể sẽ gây ra những biến động không lường trước đối với chuỗi cung ứng. Sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của các đối thủ quốc tế cũng đặt ra một thách thức mới đối với các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, việc thay đổi chính sách từ các sàn thương mại điện tử với chiến lược đặt người mua hàng vào vị trí trung tâm sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Tất cả đều là những yếu tố doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phát triển trong thời gian còn lại của năm 2024.