Bạn không đẹp như trong hình chụp đâu

27/01/2024 00:07

AI được tích hợp trên nhiều camera để làm mịn, trắng da, thậm chí thay đổi phông nền, biến đêm thành ngày. Nhưng sự hoàn hảo đã khiến những tấm ảnh dần trở nên xa rời thực tế.

Khi camera số bắt đầu phổ biến, độ chân thật và sắc nét của ảnh chụp được ưu tiên hàng đầu. Nhưng bây giờ, đây lại là hai điều mà smartphone cố tình làm kém đi, để cho ra những bức ảnh hợp mắt người dùng.

Ban đầu, mục đích của chụp ảnh là tái tạo những gì mắt người nhìn thấy. Sau đó, hậu kỳ có nhiệm vụ điều chỉnh các thông số như độ tương phản và cân bằng màu sắc để trông giống thật nhất có thể.

Song, camera AI đã vượt xa những điều này. Chúng thừa sức tự động làm da mịn màng, nổi bật màu sắc và hình ảnh ít nhiễu hạt hơn. Thậm chí, camera tích hợp trí tuệ nhân tạo còn có thể biến đêm thành ngày nếu bạn muốn.

Không thể phủ nhận, những bức ảnh này trông đẹp và hoàn hảo hơn. Nhưng chúng cũng làm dấy lên mối lo ngại về tính chân thực và độ tin cậy trong thời đại thông tin giả tràn lan. “Sau này, những bức ảnh không phải được ghi lại mà sẽ được tính toán bởi máy móc”, Ramesh Raskar tại MIT Media Lab nhận định.

AI giúp camera vượt qua giới hạn của máy ảnh chuyên dụng

Trên thực tế, việc tích hợp thuật toán cho camera trước đây đã có trên những máy ảnh chuyên nghiệp. Nhưng khi doanh số smartphone dần vượt xa máy ảnh kỹ thuật số, các hãng lại đổ tiền vào AI để bù đắp chất lượng ảnh kém khi chụp bằng điện thoại.

Camera AI lua tinh anh 1

Camera trên smartphone ngày càng tân tiến nhờ có sự can thiệp của các hệ thống AI. Ảnh: Bloomberg.

Camera trên smartphone ngày nay được trang bị AI để chụp hàng loạt ảnh, sử dụng nhiều ống kính để thu thập nhiều thông tin khác nhau. Trong số đó, thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp những hình ảnh đẹp nhất hoặc tạo ra những hình ảnh mới mà không một máy ảnh nào chụp được. Điều này giúp đảm bảo rằng ảnh chụp lúc nào cũng hoàn hảo nhất có thể.

Mai Khanh (22 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) cho biết những dòng smartphone mới càng ngày càng cho ra ảnh chụp sắc nét và màu sắc rực rỡ hơn rất nhiều so với trước đây.

Sau khi gắn bó với iPhone 6 nhiều năm, cô từng cảm thấy rất bất ngờ vì camera ngày nay có thể tự xóa phông, chỉnh sáng sao cho tấm ảnh đẹp hơn mà không cần hậu kỳ.

Theo nhiều chuyên gia, AI và công nghệ máy học có tác động rất lớn đến ảnh chụp ban đầu. Đương nhiên, những nâng cấp về phần cứng như tăng số lượng, kích thước cảm biến vẫn là một trong những nguyên nhân.

Nhưng ngày nay, nhân loại đã vượt qua những giới hạn của vật lý khi không còn phải phải nhồi nhét hệ thống quang học vào các thiết bị di động mỏng dính. Những tiến bộ vượt bậc của các hệ thống camera diễn ra ở cấp độ phần mềm và con chip chứ không chỉ ở cảm biến hay ống kính. AI giúp máy ảnh hiểu rõ hơn về những gì con người đang thấy bằng mắt thường.

Camera AI lua tinh anh 2Camera AI lua tinh anh 3

AI có thể biến tấm ảnh trở nên thay đổi ngoại mục chỉ trong tích tắc. Ảnh: New Scientist.

“Các nhà sản xuất điện thoại muốn bổ sung thêm nhiều tính năng để làm hình ảnh trên thiết bị của họ nổi bật trước đám đông. AI đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để làm điều này", Ben Wood - nhà phân tích của CCS Insight - nhận định.

Chẳng còn ai cảm thấy ngạc nhiên khi điện thoại chụp ảnh đẹp hơn máy ảnh chuyên dụng, ít nhất là trước khâu xử lý hậu kỳ. Đơn cử như Apple, chẳng cần ống lens quá lớn, bộ camera kép trên các mẫu iPhone thường của hãng vẫn có thể tạo ra những tấm ảnh chân dung làm mờ hậu cảnh xuất sắc.

Bộ xử lý tín hiệu hình ảnh của iPhone sử dụng kỹ thuật máy học để nhận dạng người bằng một camera, trong khi camera còn lại tạo độ sâu để giúp tách biệt chủ thể và làm mờ hậu cảnh.

AI chỉnh sửa đánh mất vẻ đẹp tự nhiên

Song, sự hoàn hảo không phải lúc nào cũng tốt. Qua bàn tay xử lý của AI, da sẽ trông trắng trẻo và mịn màng hơn. Hậu cảnh sẽ trông gọn gàng, ít vật thể gây nhiễu hơn. Nhưng sự can thiệp của thuật toán đôi khi làm tấm ảnh thiếu trung thực và có cảm giác dàn dựng.

“Đôi khi tôi muốn chụp lại khoảnh khắc vui vẻ của bản thân. Nhưng hình ảnh từ các smartphone chuyên selfie lại không đúng với thực tế. Tôi bị làm trắng da quá đà. Xóa mụn vô tình xóa cả đường nét khuôn mặt”, Mai Khanh chia sẻ với ZNews.

Điều này khiến cô cảm thấy ảnh quá vô thực và cũng là lý do cô không chọn mua những dòng điện thoại được quảng cáo có camera AI xuất sắc.

“Vấn đề của camera AI là bức ảnh mà mọi người tạo ra thường giống với những gì họ muốn hơn là tái hiện môi trường thực tế", chuyên gia Ben Wood tại CCS Insight nhận định.

Camera AI lua tinh anh 4

Sự can thiệp của AI không phải lúc nào cũng được yêu thích. Ảnh: Be Funky.

Minh chứng rõ rệt nhất về khả năng của camera AI chính là tính năng nhận Mặt Trăng của camera Samsung.

Thay vì chụp ảnh như mắt người nhìn thấy, thuật toán máy ảnh của Samsung Galaxy S23 lại xác định các đốm màu trắng mờ là Mặt Trăng và tự động chèn các chi tiết có độ phân giải cao như miệng núi lửa, thung lũng gập ghềnh vào ảnh, tạo ra bức ảnh còn nhiều chi tiết hơn hình gốc.

Phản hồi về sự việc, Samsung thừa nhận sản phẩm của công ty đang âm thầm chỉnh sửa ảnh của mọi người. “Khi người dùng chụp ảnh Mặt Trăng, công nghệ tối ưu hóa cảnh dựa trên AI sẽ nhận dạng Mặt trăng là đối tượng chính và chụp nhiều ảnh để có bố cục nhiều khung hình. Sau đó, AI sẽ cải thiện chất lượng bằng cách tăng thêm chi tiết và màu sắc”, đại diện hãng cho biết.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho thấy mọi người dùng ảnh đã qua chỉnh sửa của AI vì mong muốn xuất hiện trên mạng xã hội với một hình ảnh lý tưởng hơn. Một nghiên cứu khác ở Mỹ lại kết luận rằng so sánh ngoại hình ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ thể, đặc biệt là với phụ nữ. Nhưng quan trọng là điều này sẽ dần trở nên phức tạp khi hình ảnh không thực trở nên phổ biến.

Camera AI lua tinh anh 5

Chiếc Galaxy S23 Ultra từng gây tranh cãi vì thêm chi tiết khi camera AI nhận diện Mặt Trăng, trong khi tấm hình gốc (bên trái) mờ và vốn không thể nhận biết được gì. Ảnh: MKBHD.

Tuy nhiên, cũng có một số hãng ưu tiên sự chân thực trong các bức ảnh. Dù ảnh chụp đêm thường thêm sáng khá nhiều, iPhone vẫn là hãng được đánh giá cho ảnh gần với thực tế. Hoặc Oppo Reno11, mẫu smartphone vừa ra mắt tại Việt Nam đầu tháng 1 cũng được tối ưu thuật toán để đảm bảo tông màu da tự nhiên, đổ bóng giống thật chứ không "ảo" quá đà.

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của AI đã giúp cho smartphone ngày nay chụp hình tốt hơn nhiều so với các thế hệ tiền nhiệm chỉ vài năm trước. Kết hợp giữa phần cứng mạnh và trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng mà mọi hãng smartphone theo đuổi.

Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào

Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.

Bạn đang đọc bài viết "Bạn không đẹp như trong hình chụp đâu" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.