Phóng thất bại, vệ tinh Nga biến thành quả cầu lửa bay ngang bầu trời nước Mỹ

27/10/2021 16:17

Con tàu vũ trụ đã không thể lên tới quỹ đạo, thay vào đó "ra đi" trong ánh hào quang rực rỡ.

Một quả cầu lửa bốc cháy đã tạo ra một vệt thẳng tắp, như được vẽ chậm rãi trên bầu trời Michigan và các bang lân cận khác ở Mỹ vào đêm 20/10 vừa qua. Nhưng đó không phải là một thiên thạch mà chính là một con tàu vũ trụ đang thực hiện một chuyến trở về nhà "bất đắc dĩ".

Hàng chục bức ảnh, video và báo cáo của mọi người đã được gửi dồn dập về Hiệp hội Thiên thạch Mỹ (AMS) ngay sau khi sự kiện xảy ra.

Vệ tinh Nga bốc cháy trên bầu trời nước Mỹ

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell, một nhà quan sát hàng đầu về vệ tinh và các tàu vũ trụ quỹ đạo khác, đã nhanh chóng đưa ra lưu ý trên Twitter rằng những gì nhìn thấy tương ứng và rất giống với "thời gian dự đoán chính xác mà Kosmos-2551 sẽ đi qua khu vực".

Kosmos-2551 là một vệ tinh do thám của Nga, được phóng vào ngày 9/9 nhưng không bay vào quỹ đạo .

Phóng thất bại, vệ tinh Nga biến thành quả cầu lửa bay ngang bầu trời nước Mỹ - Ảnh 2.

"Kosmos-2551 đã quay trở lại từ 0440 đến 0510 UTC ngày 20/10 trên một tuyến đường đi qua phía đông Canada và Hoa Kỳ", nhà thiên văn học Jonathan McDowell chia sẻ.

Các video được quay từ khắp các khu vực cho thấy một quả cầu lửa đang di chuyển trên bầu trời vào buổi tối, trong gần một phút. Hình ảnh cho thấy đó là một vật thể bốc lửa chứ không phải là hiện tượng tự nhiên, vì các thiên thạch thường nhỏ hơn nhiều và có thể di chuyển nhanh hơn, cho phép chúng bốc cháy nhanh chóng hơn. Mặt khác, một vệ tinh cồng kềnh có thể mất nhiều thời gian hơn để phân hủy và gặp nhiều lực cản hơn khi nó quay trở lại bầu khí quyển, dẫn đến  thời gian cháy kéo dài hơn.

Mặc dù các hình ảnh dường như cho thấy vệ tinh nhân tạo ngày càng tiến gần mặt đất hơn khi nó chạy theo đường chân trời, nhưng chuyên gia McDowell cho biết nó thực sự được quan sát ở độ cao khoảng 64 km. Quá trình bốc cháy của Kosmos-2551 cũng không đe dọa tới mọi người, bởi vệ tinh này chỉ nặng khoảng 500 kg và sẽ không có mảnh vỡ nào rơi xuống đất.

Các sự kiện như trên đang ngày càng trở nên phổ biến, khi con người ngày càng phóng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo. Năm ngoái, tầng thứ 3 của tên lửa Soyuz cũng rơi ngược trở lại khí quyển và gây chú ý tại Australia.

Tham khảo Cnet