Gác nghỉ lễ, chiến sĩ vượt núi băng rừng vào bản làm căn cước công dân

03/05/2023 17:01

Mặc dù ngày nghỉ lễ nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an đã không quản ngại khó khăn, băng rừng vượt suối để cấp căn cước công dân (CCCD) tại các bản làng xa xôi nhất.

Phục vụ người dân trong dịp lễ

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ liên tiếp 5 ngày (từ 29/4 - 3/5), nắm bắt việc sẽ có nhiều người trở về quê và đây là “thời gian vàng” cho việc tăng tỷ lệ cấp CCCD, định danh điện tử mức độ 2, Công an các địa phương ở Nghệ An đã tổ chức các điểm cố định và tổ lưu động triển khai xuyên suốt kỳ nghỉ lễ.

Chính sách - Gác nghỉ lễ, chiến sĩ vượt núi băng rừng vào bản làm căn cước công dân

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Kỳ Sơn phải đi trong đêm tối, băng rừng vượt núi để vào bản làm CCCD. Ảnh Mạnh Hùng.

Đặc biệt, tại huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa ở trụ sở đơn vị, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Công an huyện Kỳ Sơn còn triển khai, duy trì tổ công tác lưu động, không quản ngại khó khăn, nắng mưa vất vả, trèo đèo, lội suối, vào từng bản làng, tuyên truyền và làm thủ tục cấp CCCD cho bà con dân bản.

Theo đại diện Công an huyện Kỳ Sơn, với đặc thù là huyện miền núi rẻo cao, khí hậu khắc nghiệt, địa hình chia cắt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, trình độ nhận thức của người dân chưa cao, nhiều người còn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của thẻ CCCD. Người dân thường xuyên đi rẫy, đi rừng, ít khi trở về nhà.

Do đó, việc vận động, tuyên truyền người dân làm CCCD gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bản làng ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn. Trên địa bàn huyện hiện có 72 bản chưa có điện lưới, Công an huyện phải mang máy phát điện vào các bản để cấp CCCD cho người dân.

Tuy nhiên, với mục tiêu 100% công dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trong độ tuổi theo quy định được cấp CCCD, nhất là hoàn thành mục tiêu của chiến dịch “70 ngày đêm”, những ngày này, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Kỳ Sơn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, tăng ca, tăng thời gian thu nhận hồ sơ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân làm thủ tục hồ sơ cấp thẻ CCCD.

Chính sách - Gác nghỉ lễ, chiến sĩ vượt núi băng rừng vào bản làm căn cước công dân (Hình 2).

Bản Sao Va, xã Bảo Thắng là nơi 100% đồng bào là dân tộc Khơ Mú. Ảnh Mạnh Hùng.

Quãng đường từ trung tâm xã vào bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, chỉ khoảng… 25km, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kỳ Sơn đã phải dậy từ 4 giờ sáng để di chuyển. Bởi chỉ có con đường đất độc đạo, trơn trượt, có những đoạn đường với mỏm đá lởm chởm.

Thời tiết đang đầu mùa hạ, nhưng tối và rạng sáng vẫn còn rất lạnh, sương mù giăng lối che kín cả lối đi, tổ công tác phải dùng cả đèn pin cùng với đèn xe máy mới soi rõ đường để đi.

Phải sau hơn 2 giờ đồng hồ, tổ công tác mới đến được bản Sao Va. Dù mệt mỏi nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn nhanh chóng bắt tay vào nhiệm cụ làm CCCD. Các bước tiến hành thu nhận hồ sơ cấp CCCD tuy khá đơn giản, nhưng tại bản Sao Va lại mất rất nhiều thời gian.

Do bản chưa có điện lưới nên tổ công tác đã sử dụng máy phát điện (điện nước) để vận hành máy móc, thiết bị. Song, do điện (nước) không ổn định khiến hiệu quả sử dụng thiết bị, máy móc gặp nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp công dân bệnh nặng, già yếu, không thể ngồi dậy rất khó chụp hình hoặc tuổi cao bàn tay chai sạn, vân tay mất nét, khó lấy dấu vân tay... Đối với hộ gia đình neo người, các cụ già, ốm đau, bệnh tật thì tổ công tác cử cán bộ vào tận từng nhà để cấp CCCD nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân.

Trước đó, để tổ công tác thực hiện cấp CCCD được thuận tiện hơn, lực lượng Công an xã tiến hành rà soát số công dân hiện đang có mặt trên địa bàn (đủ điều kiện) chưa được cấp CCCD; đồng thời phối hợp với ban ngành, đoàn thể đã chủ động tổ chức thông báo, tuyên truyền bằng loa cầm tay để người dân nắm bắt được thời gian, địa điểm của tổ công tác cấp CCCD lưu động. Một số người dân đi rẫy và ở lại trên rẫy, cán bộ cũng phải cắt rừng, lội suối lên rẫy vận động người dân trở về bản để làm CCCD.

Chính sách - Gác nghỉ lễ, chiến sĩ vượt núi băng rừng vào bản làm căn cước công dân (Hình 3).

Tổ công tác cử cán bộ vào từng gia đình neo người, các cụ già ốm đau để hỗ trợ làm CCCD. Ảnh Mạnh Hùng.

“70 ngày, đêm” cấp thẻ căn cước công dân

Thực hiện cao điểm “70 ngày đêm” cấp thẻ CCCD gắn chíp đối với công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Nghệ An, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Nghệ An thực hiện trực 100% quân số, tổ chức 3 tổ lưu động, tăng cường hỗ trợ thu nhận hồ sơ cấp CCCD tại 27 xã biên giới các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Quế Phong và Thanh Chương.

3 tổ lưu động sẽ hoạt động xuyên suốt 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, phối hợp công an các xã đến 41 bản xa nhất, cách trở nhất của các xã biên giới thuộc 6 địa phương trên để thu thập dữ liệu, cấp CCCD.

“Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng vượt khó, vượt khổ, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, chúng tôi quyết tâm trong thời gian nghỉ lễ sẽ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho gần 1.000 công dân, chủ yếu là người già, người ốm đau và đồng bào dân tộc thiểu số”, Thiếu tá Chu Chí Quốc, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Nghệ An cho hay.

Chính sách - Gác nghỉ lễ, chiến sĩ vượt núi băng rừng vào bản làm căn cước công dân (Hình 4).

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến tận nhà tại các bản làng để làm thủ tục cấp CCCD. Ảnh Mạnh Hùng.

Đây là những địa bàn đặc biệt khó khăn, muốn đến các điểm tập trung dân cư, đoàn công tác phải di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Hầu hết ô tô chỉ vào được đến trung tâm xã, còn ở các bản và các hộ dân có người già, tàn tật, neo đơn thì chủ yếu là đi bộ.

Nhiều điểm, cán bộ chiến sĩ phải leo dốc, vượt núi gần nửa ngày trời mới đến nơi. Trong lúc đó, máy móc, phương tiện để thu thập dữ liệu là chuyên dụng và khá lỉnh kỉnh; mọi người phải bảo vệ thiết bị rất cẩn thận, tránh trục trặc khi triển khai.

Ở nhiều bản và cụm dân cư vùng sâu vùng xa chưa có điện lưới nên phải dùng máy phát điện. Vì thế tiết kiệm nhiên liệu là ưu tiên hàng đầu. Mọi thao tác của cán bộ thực hiện phải và nhanh, chính xác, giảm thiểu mọi hoạt động tiêu tốn năng lượng của thiết bị.

Hơn nữa, cư dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, quanh năm làm rẫy nên bàn tay chai sạn do lao động; vì vậy, việc lấy vân tay là rất vất vả. Trong số họ, nhiều người lần đầu tiên được chụp ảnh nên trước ống kính rất bối rối. Cán bộ công an đã phải hướng dẫn tỷ mỹ, tận tâm để họ bình tĩnh, tập trung, làm sao cho hình ảnh đạt yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện thu thập dữ liệu làm CCCD, các tổ công tác nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả của Công an huyện, trực tiếp là lực lượng Công an xã. Nhờ nắm chắc địa bàn và làm tốt công tác dân vận khéo nên Công an các xã đã nhanh chóng tập hợp được người dân tại điểm thu thập dữ liệu, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức…