ĐỂ AN CƯ KHÔNG CÒN LÀ GIẤC MƠ (*): Nhanh chóng hiện thực hóa

15/10/2021 12:03

Lãnh đạo TP HCM khẳng định thành phố đang bắt tay ngay vào hiện thức hóa ước mơ an cư cho người thu nhập thấp, nhất là công nhân

Ngày 14-10, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo TP HCM đánh giá cao những ý kiến góp ý của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong loạt bài "Để an cư không còn là giấc mơ" khởi đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 11-10. Qua đó, lãnh đạo TP HCM nhấn mạnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết TP đang gấp rút triển khai Nghị định 69/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng NƠXH, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không bảo đảm.

ĐỂ AN CƯ KHÔNG CÒN LÀ GIẤC MƠ (*): Nhanh chóng hiện thực hóa - Ảnh 1.

TP HCM đang gấp rút bắt tay vào thực hiện kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ để phục vụ công nhân, người thu nhập thấp. Ảnh: TẤN THẠNH

Nói về kế hoạch tổng thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin dự kiến chiều 16-10, UBND TP sẽ nghe các sở, ngành báo cáo về kế hoạch nghiên cứu triển khai xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư. "Trước đây, khi chưa có dịch, người lao động sáng đi làm, tối về, nên nơi ở chủ yếu để ngủ. Tuy nhiên, khi 4 tháng liền phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh, vợ chồng con cái ở trong một diện tích chật hẹp sẽ không ổn. Việc này tác động lớn đến đời sống tinh thần người dân. Chúng ta đón người từ các địa phương đến học tập, lao động, đóng góp cho thành phố nhưng việc chăm lo nhà ở và các chăm lo khác chưa được đầu tư đúng mức" - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận. Ông khẳng định việc này sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP HCM, trong 11 thành phần thuộc kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố có một kế hoạch về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Kế hoạch này sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể cho người có thu nhập thấp tiếp cận được. Bên cạnh đó, vấn đề chung cư cũ, nhà ở trên kênh rạch và các nhà trọ cho thuê hiện nay cũng sẽ nhanh chóng được cải thiện. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố xác định đây là việc cần phải làm ngay. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận thành phố đã có tính nhưng chưa phát triển hoàn thiện khu nhà ở cho công nhân ở các KCN, tức công nghiệp gắn với đô thị, thương mại, dịch vụ. Việc này sẽ được TP HCM nghiên cứu, triển khai sớm nhất có thể.

Nói về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là công nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh có hai mặt thành phố tiến hành làm ngay. Đó là cải thiện lại khu nhà trọ theo quy định. "Nhà trọ không thể phát triển kiểu tự phát như hiện tại, phải điều chỉnh, kiểm tra, xử lý để trật tự trở lại" - Bí thư Thành ủy TP HCM nói. Hai là, xây dựng NƠXH. Theo đó, chính quyền sẽ phối hợp với DN, nhà đầu tư để xây dựng NƠXH phù hợp với mức sống của công nhân... 

Cần thêm chính sách đủ mạnh từ trung ương

Theo ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Điển hình là việc Chính phủ ban hành các Nghị định 99, Nghị định 100 năm 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49 ngày 1-4-2021 nhằm thu hút các DN tham gia đầu tư NƠXH nhưng các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh nên thiếu hấp dẫn các DN đầu tư. Vì vậy, vấn đề nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.

"Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đều đề cập và nhấn mạnh việc ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân. Để hiện thực hóa chủ trương tốt đẹp và nhân văn này, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển NƠXH, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách để làm vốn mồi cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, vì chúng ta không thể khoán trắng việc xây dựng NƠXH cho kinh tế ngoài nhà nước" - ông Nguyễn Đình Khang kiến nghị.

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Chung tay để về đích

TP HCM hiện có khoảng 186.999 DN với khoảng 2,59 triệu lao động, trong đó, có 1.100 DN với khoảng 340.544 lao động hoạt động trong 17 KCX-KCN, Khu Công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. LĐLĐ TP vừa phối hợp với ĐHQG TP HCM khảo sát thực tế đời sống công nhân ở nhà trọ, nhà lưu trú trên địa bàn thành phố.

5-ông-Phạm-Chí-Tâm

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM

Khảo sát cho thấy số lượng công nhân được tiếp cận với nhà lưu trú do nhà nước đầu tư còn khá thấp và mới chỉ tập trung vào các KCX, chưa mở rộng ra các khu vực có đông công nhân sinh sống như KCN, cụm công nghiệp... Vì thế, Thành ủy, UBND TP HCM có chủ trương xây dựng NƠXH cho công nhân là một chủ trương nhân văn và tốt đẹp. Bên cạnh chủ trương của thành phố, tôi nghĩ các sở, ngành, cơ quan liên quan cần chung sức để ước mơ an cư của công nhân thành hiện thực. Như Sở Xây dựng cần bộ tiêu chí hướng dẫn người lao động có đủ điều kiện tiếp cận mua NƠXH và giám sát việc thực hiện của người mua nhà; Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư xây dựng NƠXH, khu lưu trú cho công nhân; Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các ngân hàng khác, các quỹ tín dụng chính thức, các quỹ tín dụng phi chính phủ để xây dựng các mô hình hỗ trợ tín dụng cho người lao động, thực hiện các gói kích cầu... hỗ trợ công nhân có điều kiện mua nhà. Thành phố cũng yêu cầu các DN có trách nhiệm xây dựng các khu nhà lưu trú, trong trường hợp không có điều kiện xây dựng nhà lưu trú thì có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công nhân thuê nhà trọ.

Ông LÊ ĐÌNH CHI, Giám đốc Hành chính Nhân sự Công Ty CP Dược Phẩm An Thiên:

Quyết sách kịp thời, nhân văn

Những ngày qua, vấn đề xây dựng NƠXH liên tục được nhấn mạnh và đưa ra bàn thảo tại các cuộc họp của Thành ủy, UBND TP HCM. Theo dõi thông tin, tôi rất tâm đắc với mục tiêu trong vài năm tới, thành phố sẽ có 1 triệu căn nhà giá rẻ, nhằm đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp mà UBND TP đưa ra.

5-ông-LÊ-ĐÌNH-CHI

Ông LÊ ĐÌNH CHI, Giám đốc Hành chính Nhân sự Công Ty CP Dược Phẩm An Thiên

Vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề cấp thiết ở giai đoạn hiện tại. Từ thực tế nhiều người lao động phải trở về quê trong những tháng qua hầu hết là những người phải đi ở trọ đã cho thấy khi chất lượng cuộc sống không bảo đảm, nơi ở không ổn định, người lao động khó có thể bám trụ lại. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, người lao động không có việc làm, không có thu nhập nhưng vẫn phải gánh rất nhiều chi phí, trong đó nặng nề nhất là tiền phòng trọ. Vì vậy, việc lo nhà ở cho công nhân vào lúc này là hướng đi đúng đắn, nhân văn.

Ở góc độ DN, tôi rất mong chính sách về nhà ở cho công nhân sẽ được triển khai nhanh chóng. Theo tôi, ngoài xác định quỹ đất sạch dành cho việc xây dựng NƠXH, thành phố cần có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xây dựng, các đơn vị được sử dụng quỹ đất sạch xây dựng NƠXH. Trong đó cần có các quy định là phải dành bao nhiêu % để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp mua hoặc thuê mua.

Từ thực tế vẫn còn nhiều khu nhà trọ công nhân chật hẹp, ẩm thấp, không bảo đảm, thành phố cũng nên có chính sách khuyến khích DN xây dựng khu lưu trú an toàn, nâng cao chất lượng sống cho người lao động của mình. Có thể nói nhà ở là vấn đề quan trọng, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nếu có nơi ở ổn định, tôi nghĩ người lao động vẫn sẽ bám trụ lại thành phố và tiếp tục cống hiến, xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10