Chính phủ Mỹ kiện Apple

25/03/2024 08:09

Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, đơn kiện từ chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là iPhone.

Chinh phu My kien Apple anh 1

Ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và Quận Columbia nộp đơn kiện Apple. Trong tài liệu dài 88 trang, chính phủ nước này lập luận Táo khuyết đã vi phạm luật chống độc quyền nhằm "giữ chân" người dùng ở lại iPhone, giảm khả năng chuyển sang thiết bị của đối thủ.

Theo đơn kiện, Apple được cho đã ngăn cản công ty khác quảng bá dịch vụ cạnh tranh, chẳng hạn như ví điện tử, động thái có thể khiến iPhone giảm giá trị. Ngoài ra, chính sách của Táo khuyết bị cáo buộc gây tổn hại cho người dùng và doanh nghiệp cạnh tranh nhỏ, dưới hình thức "giá đắt và ít đổi mới hơn".

"Mỗi hành động của Apple xây dựng 'con hào' xoay quanh tính độc quyền trên thị trường smartphone" là một phần cáo buộc trong đơn kiện, được nộp lên Tòa án Quận Mỹ tại Quận New Jersey.

Apple làm gì để bị kiện?

Theo New York Times, đơn kiện là kết quả sau nhiều năm giám sát danh mục thiết bị và dịch vụ của Apple.

Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Táo khuyết, với trọng tâm là iPhone.

Theo đơn kiện, Apple đã "làm suy yếu" khả năng nhắn tin của người dùng iPhone với điện thoại thương hiệu khác. Sự phân biệt được thể hiện bởi bong bóng tin nhắn màu xanh lá, đại diện tin nhắn gửi đến người dùng Android.

Tài liệu cho rằng đó là tín hiệu "ám chỉ" điện thoại khác chất lượng kém hơn iPhone.

Chinh phu My kien Apple anh 2

iPhone 15 Pro Max. Ảnh: Bloomberg.

Tiếp theo, Apple bị cáo buộc gây khó khăn trong kết nối iPhone với đồng hồ thông minh không phải Apple Watch. Nếu người dùng mua Apple Watch, sẽ rất khó để họ từ bỏ iPhone.

Chính phủ Mỹ cũng cho rằng Táo khuyết muốn duy trì thế độc quyền bằng cách không cho công ty khác phát triển ví điện tử riêng. Trên iPhone, Apple Wallet là ứng dụng duy nhất có thể dùng chip NFC để thanh toán.

Ngoài ra, ứng dụng stream game không được phát hành trên iPhone bởi có thể khiến thiết bị trở thành "phần cứng kém giá trị hơn". Nhà phát triển cũng không được cung cấp các siêu ứng dụng (super app).

Bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên iPhone và thiết bị khác, Apple tạo ra "sân chơi không bình đẳng" theo cách gọi của giới phân tích. Tại đây, sản phẩm và dịch vụ của công ty được truy cập nhiều tính năng cốt lõi, điều mà đối thủ không thể tận dụng.

Đơn kiện yêu cầu tòa án cấm Apple tham gia các hành động như chặn app stream game, phá hoại tính năng nhắn tin trên các hệ điều hành của smatphone, và chặn ví điện tử thay thế. Vụ kiện cũng yêu cầu Táo khuyết nộp tiền phạt với con số chưa xác định.

Apple không hài lòng

Theo Apple, chính sách trên rất quan trọng để đảm bảo quyền riêng tư và an toàn. Tuy nhiên, nhà phát triển ứng dụng và hãng điện thoại đối thủ khẳng định đó là động thái phản cạnh tranh.

"Vụ kiện này đe dọa tính đặc trưng của chúng tôi, và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của sản phẩm Apple trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Nếu thành công, nó sẽ cản trở khả năng chúng tôi xây dựng loại công nghệ mà mọi người mong chờ từ Apple - nơi giao thoa giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Điều này cũng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào thiết kế công nghệ cho mọi người", người phát ngôn của công ty cho biết.

Chinh phu My kien Apple anh 3

Logo Apple trước một cửa hàng. Ảnh: Bloomberg.

Colin Kass, luật sư chống độc quyền tại công ty luật Proskauer Rose, so sánh lập luận chống lại Apple của chính phủ Mỹ tương tự những gì xảy ra với Microsoft.

Trong đơn kiện năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Microsoft tận dụng vị thế thống trị để chèn ép ứng dụng đối thủ trên hệ điều hành Windows, bao gồm trình duyệt web.

Theo ông Kass, cáo buộc gần nhất với vụ kiện Microsoft là chi tiết cho rằng Apple ngăn nhà phát triển viết app có thể hoạt động với nhà cung cấp dịch vụ khác, chẳng hạn như "siêu ứng dụng".

Trong khi đó, chuyên gia pháp lý nhận định chính phủ Mỹ cần giải thích lý do nhắm đến Apple bởi về cơ bản, các công ty được phép ưu tiên sản phẩm của họ một cách hợp pháp.

"Vụ kiện này liên quan đến công nghệ. Liệu rằng luật chống độc quyền có thể buộc một công ty thiết kế lại sản phẩm, giúp chúng tương thích hơn với dịch vụ đối thủ không?", ông Kass nhấn mạnh.

Hàng loạt thách thức với Apple

Đây không phải lần đầu Apple đối mặt rắc rối pháp lý về độc quyền. Trong vụ kiện liên quan chính sách App Store mà Epic Games nộp năm 2020, công ty đã thuyết phục thẩm phán rằng khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hệ điều hành trên iPhone và Android của Google.

Apple thậm chí đưa ra bằng chứng cho thấy người dùng ít đổi điện thoại vì trung thành với iPhone.

Trong thông cáo báo chí năm 2019 liên quan đến đơn khiếu nại của Spotify, Apple khẳng định luôn dùng cách tiếp cận "phát triển miếng bánh" và "tạo ra nhiều cơ hội không chỉ cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi, mà còn cho nghệ sĩ, nhà sáng tạo, doanh nhân và những 'kẻ điên rồ' với ý tưởng lớn".

Chinh phu My kien Apple anh 4

iPhone 15 Pro và Apple Watch Ultra 2. Ảnh: Brandon Meves/YouTube.

Không chỉ Apple, nhiều hãng công nghệ lớn cũng đối mặt thách thức chống độc quyền từ chính phủ các nước. Từ đầu năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã theo đuổi vụ kiện nhắm đến hoạt động kinh doanh tìm kiếm và công nghệ quảng cáo của Google.

Năm 2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đâm đơn kiện Meta, cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh khi thâu tóm Instagram và WhatsApp.

FTC cũng kiện Amazon vào tháng 9/2023 vì cho rằng công ty lạm dụng quyền lực trên thị trường bán lẻ trực tuyến. Cơ quan này từng cố ngăn thương vụ Microsoft thâu tóm Activision Blizzard nhưng bất thành.

Đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên phạt Apple gần 2 tỷ USD do những quy định khắt khe trên App Store, lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường phân phối dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.

Các công ty phát triển app cũng yêu cầu EC điều tra cáo buộc Apple vi phạm quy định yêu cầu mở kho ứng dụng bên thứ ba trên iPhone.

Táo khuyết còn đối diện án phạt tại Hàn Quốc và Hà Lan, liên quan đến chi phí nhà phát triển phải trả khi sử dụng cổng thanh toán ngoài. Những quốc gia như Anh, Australia và Nhật Bản cũng xem xét quy định nhằm kiềm chế Táo khuyết.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Bạn đang đọc bài viết "Chính phủ Mỹ kiện Apple" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.