Rộ lên chiêu lừa đảo mới, có người mất 800 triệu đồng: Nếu gặp phải hãy lên thẳng trụ sở công an địa phương!

07/04/2024 12:12

Sau một cuộc gọi bất thường, 800 triệu đồng trong tài khoản người phụ nữ đã không cánh mà bay.

Rộ lên chiêu lừa đảo mới, có người mất 800 triệu đồng: Nếu gặp phải hãy lên thẳng trụ sở công an địa phương!- Ảnh 1.

Mới đây, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cảnh báo, người dân cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua "thông báo phạt nguội" giao thông.

Cụ thể, theo Cục Cảnh sát giao thông, thời gian gần đây, nhiều người nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ tự xưng là cảnh sát giao thông thông báo yêu cầu nộp phạt nguội. Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023, các trường hợp vi phạm phạt nguội đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp việc đi lại khó khăn và người liên quan không có điều kiện đến làm việc trực tiếp, họ có thể đến trụ sở công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính đó.

Về thông báo vi phạm sẽ được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc qua phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, đăng trên Trang Thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để người dân chủ động tra cứu, chấp hành.

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo thông báo phạt nguội giao thông, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.

Mới đây, chị N.H.Y, thường trú tại Đà Nẵng đã bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Cụ thể, chị Y nhận được cuộc gọi từ số máy lạ và người đàn ông xưng danh là cảnh sát giao thông, thông báo rằng: Chị Y vi phạm Luật giao thông đường bộ. Người này xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng trao đổi với chị Y rằng, đang điều tra một vụ án có liên quan đến chị và muốn xác nhận cụ thể một số thông tin về chị, như: Chứng minh tài sản hiện có và nguồn thu nhập, nguồn gốc tài sản cá nhân có liên quan… đề nghị chị hợp tác, bằng không sẽ khởi tố vụ án, điều tra theo quy định của pháp luật.

Hoang mang lo sợ, chị Y đồng ý. Đối tượng gửi cho chị Yến. một đường link, nói rằng đây là cơ sở để cơ quan điều tra xác định chị có vi phạm pháp luật hay không nhằm điều tra làm rõ. Rồi chị Y thấy 800 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút sạch. Chị vội vàng báo công an chức năng thì mới biết mình bị lừa.

Theo các quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện có liên quan.

Sau đó gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc. Chủ phương tiện, người điều khiển mà không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú để để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc qua nộp online qua hệ thống dịch vụ công.