Khánh thành không gian Triển lãm Mộc Bản trong thời đại số tại Đà Lạt

26/09/2023 14:12

Cuối tuần qua, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra sự kiện văn hóa “Hành trình di sản trong thời đại số”. Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức đã khai mạc Triển lãm “Không gian Mộc bản triều Nguyễn”.

Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV mở cửa rộng rãi Không gian bảo quản di sản Mộc bản triều Nguyễn cho công chúng tiếp cận. Đặc biệt hơn còn được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đầu tư, nâng cao sự thu hút bằng các trải nghiệm công nghệ cao.

Có thể kể đến như xem những clip tranh cát kể chuyện về quá trình hình thành Mộc Bản bằng Hologram; Công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản; Sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày trực tiếp bằng ứng dụng trên các thiết bị công nghệ, giúp người xem có thể nhìn thấy Mộc bản bằng những hình ảnh sinh động, xem nội dung và tìm hiểu về Mộc bản.

hinh-anh-3d-mapping-lich-su-phat-trien-moc-ban-1695712012.png

Hình ảnh 3D Mapping trong không gian triển lãm về lịch sử phát triển Mộc Bản triều Nguyễn

Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi và bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước. Đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến Đà Lạt. Hơn nữa, sự kiện mong muốn sẽ định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cho các tỉnh thành trên cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, Cục Văn thư Lưu trữ đã tạo điều kiện để sự kiện diễn ra. Theo ông S “Thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là Trung tâm học đường, giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Góp phần hệ thống tài liệu vinh danh nên di sản được UNESCO  ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới năm 2009”.

img-3795-1695712030.JPG

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết: “Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt vinh dự là nơi bảo quản khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới, một loại hình tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm trong kho tàng lịch sử, văn hóa Việt Nam”.

Khối tài liệu gồm 33.971 tấm, là nguồn tư liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị khối mộc bản này, bên cạnh các hình thức truyền thống, Trung tâm đã từng bước đổi mới và mở rộng hình thức quảng bá, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước thông qua việc ứng dụng công nghệ số.

“Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các trung tâm lưu trữ quốc gia vừa phải làm tốt công tác bảo quản các tài liệu lưu trữ quốc gia, vừa phải phát huy nguồn di sản quý này. Các trung tâm lưu trữ quốc gia cũng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là hoạt động vô cùng có ý nghĩa, vừa thể hiện truyền thống lịch sử văn hóa vừa khẳng định chủ quyền quốc gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm tại phần Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết, trong tương lai, Trung tâm sẽ luôn làm mới, giới thiệu mình và phối hợp với Chính phủ, các cấp, các ngành cũng như các đơn vị để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản. Đồng thời, hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ doanh nghiệp trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, văn hóa, lịch sử của đất nước.

img-3951-1695712069.JPG

Tiết mục múa “Hành trình di sản trong thời đại số” - Đạo diễn Nguyệt Quế, biên đạo múa Ngọc Xuân, hiệu ứng tranh cát họa sĩ Trí Đức

Chia sẻ về  mối liên hệ giữa Mộc bản với các tài liệu khác trong cung đình Huế, ông Hoàng Việt Trung -  Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay “Mộc bản gắn liền với Châu Bản cũng như là cố đô Huế. Cụ thể, Mộc bản, Châu bản đã trải qua bao thăng trầm nhưng đã được những người làm công tác lưu trữ lưu giữ. Thông qua thành tựu cách mạng công nghệ lần thứ tư giới thiệu Mộc bản, Châu bản để giới thiệu những di sản qua nhiều hình thức khác nhau. Mộc bản không chỉ có  giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn thiết thực trong đời sống hiện nay”.

“Trung tâm đã chuyển sang giai đoạn mới, năng cao, phát huy giá trị tinh hoa của đất nước sinh động, trực quan bằng nhiều hình thức. Sự nghiệp bảo tồn, trùng tu di tích còn nhiều công việc, còn nhiều điều cần phải làm”, ông Trung nói.

Đặc biệt, tiết mục múa “Hành trình di sản trong thời đại số” với 3 giai đoạn “Khởi - Thành - Phát” nói về sự khởi đầu ra đời của Mộc Bản, sự hợp thành của các nguồn lực để bảo tồn Mộc Bản hiện nay đến công tác phát huy lan tỏa Mộc Bản không biên giới thông qua nền tảng trực tuyến, được lấy cảm hứng từ sự phát triển của Mộc Bản gắn với quá trình lưu trữ qua thời gian.

Sự kiện “Hành trình di sản trong thời đại số” được diễn ra vào cuối tuần qua, với sự tài trợ từ quỹ VINIF và phối hợp tổ chức từ Công ty Truyền thông Sự kiện Santani đã đánh dấu cho một bước chuyển biến mới của công tác tiếp cận di sản Mộc Bản - những bản gốc tài liệu, có giá trị đặc biệt về lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng,… đã được ngành Lưu trữ qua các thời kỳ tập trung quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị một cách thống nhất, có hiệu quả góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một số hình ảnh về sự kiện:

img-3936-1695712256.JPG
img-3810-1695712243.JPG
img-4040-1695712286.JPG
img-3897-1695712298.JPG
img-3932-1695712316.JPG

Tham quan không gian bảo quản và phát huy Mộc Bản tại Trung tâm lưu trữ IV, số 2 Yếu Kiêu, phường 5, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khách tham quan sẽ được miễn phí vé vào cửa bắt đầu từ đầu tháng 10.2023.

Hà Thu