Đà Nẵng muốn thí điểm khu thương mại tự do, làm trung tâm bán dẫn

05/04/2024 20:09

Đà Nẵng muốn thí điểm thành lập khu thương mại tự do gắn với Cảng Liên Chiểu.

Đà Nẵng muốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

Chiều 4/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.

Theo dự thảo sẽ có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng. Trong đó sẽ định hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Huy động cao nhất mọi nguồn lực cho phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại, góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Đà Nẵng muốn thí điểm khu thương mại tự do, làm trung tâm bán dẫn- Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng

Bên cạnh đó là 21 chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng. Trong 21 chính sách này, đáng chú ý, Đà Nẵng muốn được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân quận thuộc thành phố Đà Nẵng, dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường thuộc Ủy ban nhân dân quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi thường xuyên ngân sách quận, ngân sách phường để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa…

Với tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Thành phố, Đà Nẵng được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

"Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%. Các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố", dự thảo đề xuất.

Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố.

Thí điểm mô hình khu thương mại tự do

Ngoài các chính sách về tài chính, theo dự thảo nghị quyết, sẽ thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu.

Đây là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Bao gồm các khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.

Để thu hút các nhà đầu tư vào khu tương mại tự do, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không quá 70 năm.

Ngoài ra, các nhà đầu tư vào khu thương mại tự do sẽ được hưởng hàng loạt ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan… theo quy định.

Lý giải về việc thực hiện thí điểm mô hình khu thương mại tự do, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh một trong những lĩnh vực mà Thành phố có thế mạnh là du lịch và dịch vụ. Nếu muốn nâng cao chất lượng thì phải có những đột phá.

"Nếu thành lập được khu thương mại tự do sẽ có những đột biến cho ngành dịch vụ và du lịch. Như tại Trung Quốc, khu thương mại tự do đang trở thành sức hút rất lớn cho các nhà đầu tư", ông Quảng thông tin.

Đà Nẵng muốn thí điểm khu thương mại tự do, làm trung tâm bán dẫn- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (đứng phát biểu)

Để có thể thí điểm thành công khu thương mại tự do, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào khu thương mại tự do. Trong đó, đặc biệt là những ưu đãi liên quan đến thủ tục.

"Hiện một trong những lực cản lớn nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà chiến lược tại nhiều địa phương trong đó có cả Đà Nẵng là lực cản về thủ tục. Nếu không có định hướng về cải cách thủ tục thì dù có bao nhiêu chính sách tốt cũng rất khó thu hút được đầu tư", ông Quảng đánh giá.

Muốn trở thành trung tâm bán dẫn

Bên cạnh thí điểm khu thương mại tự do, trong dự thảo nghị quyết, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng các chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Với chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, Đà Nẵng đề xuất thêm ngành nghiên cứu và phát triển (R&D) và gắn với đào tạo, công nghệ AI, công nghệ chip bán dẫn.

Để thu hút các nhà đầu tư, Đà Nẵng sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng trên địa bàn Thành phố.

Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trên địa bàn Thành phố.

Đà Nẵng muốn thí điểm khu thương mại tự do, làm trung tâm bán dẫn- Ảnh 3.

Đà Nẵng đặc biệt chú trọng các chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết việc phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ là một trong những trọng tâm vì lĩnh vực này phù hợp với khả năng điều kiện của Thành phố. Lĩnh vực cũng đang là xu thế và động lực tại nhiều địa phương.

Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Đà Nẵng tiên phong đề xuất trở thành trung tâm đào tạo lớn của cả nước về lĩnh vực này.

"Trong quá trình làm việc với các tập đoàn như Nvidia, Intel… các nhà đầu tư đều hỏi có chính sách gì hấp dẫn để cùng hợp tác. Nếu không có chính sách cụ thể, sẽ rất khó thu hút các ông lớn công nghệ", ông Quảng thông tin.

Không mạnh dạn thay đổi thì mất cơ hội

Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI đang rất quyết liệt. Việt Nam đang phải cạnh tranh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… Các nước này không ngừng đẩy mạnh cải cách, đổi mới để thu hút dòng vốn ngày càng bị thu hẹp và có xu hướng chuyển về Mỹ và các nước phát triển.

"Dòng vốn đầu tư quốc tế đang giảm đi rất nhiều. Nếu không mạnh dạn đổi mới, không mạnh dạn cải cách, không thay đổi thì sẽ mất đi cơ hội", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, muốn thu hút đầu tư nước ngoài phải cải cách mạnh hơn nữa. Sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất Chính phủ phải có một chương trình mạnh hơn, trong đó ưu đãi chỉ là một phần.

"Ưu đãi không phải là tất cả, điều quan trọng là thủ tục cần minh bạch, nhanh chóng, giảm phiền hà, nhũng nhiễu…", Bộ trưởng khẳng định.

Đà Nẵng muốn thí điểm khu thương mại tự do, làm trung tâm bán dẫn- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu không mạnh dạn thay đổi thì sẽ mất cơ hội

Với riêng Đà Nẵng, Bộ trưởng đề nghị Thành phố cần làm rõ hơn nữa nội dung, nội hàm khu thương mại tự do. Bản chất đây là một khu kinh tế tổng hợp, dùng các cơ chế chính sách mạnh, mở cửa để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho vấn đề buôn bán, giảm thời gian chi phí thực hiện các thủ tục, giảm tối đa các danh mục hạn chế đầu tư.

Liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, Bộ trưởng lưu ý hiện tại nên tham gia vào khâu kiểm thử, thiết kế, phần sản xuất thì trước mắt thu hút đầu tư nước ngoài. Nên tập trung đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, đây là hướng đi phù hợp.