Sợ tốc độ tăng trưởng bộ nhớ của Huawei quá nhanh, Mỹ muốn Seagate cắt nguồn cung ổ cứng

01/11/2021 12:04

Các chính trị gia Mỹ lo ngại Huawei vẫn có thể phát triển tốt ở lĩnh vực bộ nhớ lưu trữ, do đó muốn bóp nghẹt nguồn cung phần cứng của công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa của Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện Mỹ mới đây đã đưa ra một báo cáo nói rằng Seagate, một nhà cung cấp thiết bị lưu trữ dữ liệu lớn của Mỹ, đã tiếp tục bán ổ đĩa cứng cho Huawei. Và điều này đã vi phạm các quy định về xuất khẩu của chính quyền Mỹ đưa ra hồi tháng 8/2020.

Kể từ ngày 15/9/2020, lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đối với Huawei có hiệu lực, quy định rằng các bộ phận, linh kiện hoặc thiết bị do Huawei và bất kỳ công ty con nào của Huawei sản xuất, mua hoặc đặt hàng đều không được sản xuất hoặc phát triển bằng phần mềm và công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, Seagate cho rằng cả ổ cứng và ổ cứng thể rắn (SSD) đều không được sản xuất tại Mỹ và không phải là đối tượng của lệnh cấm. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ đã nói rằng nó vẫn thuộc phạm vi các biện pháp trừng phạt, miễn là chúng còn sử dụng công nghệ do Mỹ phát triển.

Sợ tốc độ tăng trưởng bộ nhớ của Huawei quá nhanh, Mỹ muốn Seagate cắt nguồn cung ổ cứng - Ảnh 1.

Seagate là công ty được thành lập tại Mỹ vào năm 1979 và là nhà sản xuất ổ cứng, đĩa từ và đầu đọc ghi lớn nhất thế giới. Đây cũng là nhà cung cấp quan trọng của Huawei và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh lưu trữ của Huawei, công ty đang đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực này. Đồng thời, với tư cách là nhà cung cấp ổ cứng độc quyền của Mỹ cho Huawei trong bối cảnh khan hiếm chip diễn ra trên toàn cầu, cổ phiếu của Seagate đã tăng gần 86% kể từ tháng 9 năm ngoái.

Không rõ báo cáo này sẽ có tác động gì đến các giao dịch của Seagate và Huawei. Nhưng có thể dễ dàng hình dung được rằng nếu Mỹ thực sự thắt chặt các hạn chế, hai công ty của cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ phải chịu cảnh thua lỗ.

Seagate và Western Digital hiện là những công ty duy nhất trên thế giới bán cả ổ cứng (HDD) và ổ cứng thể rắn (SSD). Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ tin rằng mặc dù ổ cứng và ổ cứng thể rắn không được sản xuất tại Mỹ, nhưng chúng sử dụng công nghệ được phát triển tại Mỹ. Do đó, các công ty này có thể cần phải xin giấy phép để bán các sản phẩm này cho Huawei.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Seagate đã bỏ qua lệnh cấm hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với Huawei và đã vận chuyển các linh kiện bán dẫn cho Huawei. Báo cáo yêu cầu Seagate ngừng giao hàng cho Huawei và thúc giục Bộ Thương mại nước này "ưu tiên" đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Seagate.

Đầu năm nay, các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng đã công khai chỉ trích Seagate về vấn đề Huawei, nói rằng các lô hàng của họ cho Huawei đã vi phạm các hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, báo cáo cho thấy sau khi lệnh cấm có hiệu lực, một phần lớn doanh số mua ổ đĩa cứng trị giá 800 triệu USD hàng năm của Huawei đến từ Seagate.

Trong khi đó, Seagate cho biết vào năm 2020 rằng họ tin rằng việc kinh doanh sản phẩm của họ không nằm trong lệnh cấm ở chính quyền Mỹ, vì vậy họ không cần giấy phép để xuất khẩu ổ cứng của mình cho Huawei. Ngoài ra, Seagate cũng tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei không được làm gián đoạn các lô hàng của họ.

Giám đốc Tài chính Seagate, Gianluca Romano khi đó cho biết: "Về việc tiếp tục giao hàng cho Huawei hoặc bất kỳ khách hàng nào khác ở Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng chúng tôi có bất kỳ hạn chế đặc biệt nào, vì vậy chúng tôi không cần phải có giấy phép cụ thể."

Vào thời điểm đó, ông Romano từ chối tiết lộ bao nhiêu phần trăm doanh thu của công ty đến từ Huawei, nhưng ông nói rằng tỷ lệ này chưa đến 10%.