Ngành công nghiệp 5G vẫn còn sơ khai

29/09/2021 16:01

5G đang giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền văn minh kỹ thuật số, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

"Nền kinh tế 5G vẫn chưa thực sự hiện diện, chúng ta đang đầu tư quy mô lớn nhưng vẫn chỉ mới ở giai đoạn khởi điểm", Sina dẫn lời Zhao Juntao, Chủ tịch Ericsson Trung Quốc, tại Hội nghị Internet thế giới 2021 diễn ra trực tuyến ngày

Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, ngành công nghiệp 5G sẽ hình thành dựa trên 7 trụ cột: Ứng dụng AI, AR, camera an ninh, kiểm tra và giám sát từ xa, thu thập dữ liệu thiết bị, điều khiển từ xa và kết nối trên xe tự hành. Bốn nhóm ứng dụng đầu tiên chủ yếu dựa vào 5G để truyền dữ liệu hình ảnh và ba loại sau là ứng dụng 5G để truyền dữ liệu thiết bị.

Zhao Juntao cho biết lưu lượng 5G đang chủ yếu được thúc đẩy bởi video và mô hình hoạt động của các nhà mạng về cơ bản chưa có nhiều thay đổi. "Với việc phát huy tiềm năng của 5G, mô hình kinh doanh chắc chắn sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc, từ đó nền kinh tế 5G mới thực sự hình thành. Vẫn còn nhiều thách thức trong việc thu hồi vốn và thương mại hoá", lãnh đạo Ericsson nói.

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong đầu tư 5G với khoảng 70% trạm 5G trên toàn cầu.

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong đầu tư 5G với khoảng 70% trạm 5G trên toàn cầu.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến kinh tế 5G còn sơ khai, các lãnh đạo công nghệ cho rằng so với ngành dịch vụ, mức độ số hoá của ngành sản xuất, vốn được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu lớn cho 5G, vẫn đang tụt hậu. Chu kỳ đầu tư của ngành sản xuất kéo dài, thời gian khấu hao thiết bị có thể lên đến hàng chục năm, vốn đầu tư lớn... khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc thận trọng. Vấn đề thứ hai là ngành sản xuất công nghiệp vốn có tính phức tạp cao, cần thời gian để có thể nhân rộng các mô hình mới theo quy mô lớn.

Vấn đề tiêu chuẩn của ngành sản xuất cũng ảnh hưởng đến phổ cập 5G công nghiệp. So với ngành dịch vụ tiêu dùng như bán lẻ, hậu cần, ăn uống và khách sạn, ngành sản xuất có nhiều tiêu chuẩn hơn và thậm chí không đồng nhất về công nghệ. "Giao tiếp, liên lạc thực sự là thách thức lớn khi yêu cầu ngành công nghiệp chuyển sang nền tảng 5G", Zhao Juntao phân tích.

Theo Global Times, Trung Quốc đang có 916.000 trạm 5G, chiếm 70% tổng số trạm toàn cầu. Để sớm khai thác giá trị kinh tế của 5G, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các bộ ngành cùng ngồi lại để tìm cách đưa 5G vào thử nghiệm trong lĩnh vực điện, khai thác mỏ... Chương trình thí điểm về phương tiện giao thông Internet cũng được thúc đẩy. Trong lĩnh vực xã hội và dân sinh, một loạt dự án mô hình giáo dục, y tế, du lịch thông minh 5G được triển khai, tiến tới xây dựng thành phố thông minh 5G. Mỗi ngành công nghiệp chủ chốt tạo ra hơn 100 điểm chuẩn ứng dụng 5G.

"Nhân loại dần chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh kỹ thuật số, và 5G đang thúc đẩy quá trình này", Yang Jie, Chủ tịch China Mobile, nhận định.

Yang Jie cho rằng, trong thời đại văn minh công nghiệp, sự phổ biến của giao thông đường bộ, đường biển và hàng không đã thúc đẩy dòng chảy toàn cầu của vốn. Còn trong giai đoạn chuyển sang nền văn minh kỹ thuật số, sự ra đời của 5G thúc đẩy việc triển khai rộng rãi cơ sở hạ tầng thông tin mới, đẩy mạnh ứng dụng chuyên sâu của công nghệ thông tin và các yếu tố dữ liệu.

"Đứng ở điểm xuất phát mới trong lịch sử, 5G và kinh tế kỹ thuật số là 'đường đua mới' dựa trên nền tảng về công nghệ thông tin để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và tăng cường khả năng hội nhập, đổi mới", chủ tịch China Mobile nhấn mạnh về tầm quan trọng của 5G trong tương lai.

Khương Nha tổng hợp

Thu lời từ nỗi sợ sóng 5G GSMA: 'Tương lai của 5G đang gặp rủi ro' Những thách thức khi triển khai 5G

Bạn đang đọc bài viết "Ngành công nghiệp 5G vẫn còn sơ khai" tại chuyên mục NGHE-NHÌN.