Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở

14/03/2023 08:04

Vào mùa khô, tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long lại xảy ra sạt lở, nên các địa phương phải tìm giải pháp ứng phó

Tuyến đường giao thông nông thôn dọc theo sông Ô Môn, đoạn qua ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị sạt lở 2 tháng nay nên chính quyền địa phương đã cho phủ bạt và rào chắn ở hai đầu nhằm hạn chế phương tiện đi lại.

Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, thông tin: "Vụ sạt lở này xảy ra vào ngày 9-1, trước một nhà máy chế biến lương thực, có chiều dài khoảng 26 m và chiều rộng 8 m. Vụ sạt lở gây thiệt hại băng tải truyền lúa và giá đỡ thổi trấu của nhà máy, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng".

Ông Trần Tấn Tài (ngụ tại địa phương) nói: "Hằng ngày, tôi đều đem hàng ra quận Ô Môn bán và phải đi qua tuyến đường này. Nhưng từ trước Tết, đường bị sạt lở nên tôi phải đi đò. Mong ngành chức năng sớm khắc phục để người dân lưu thông dễ dàng". Vừa qua, Chi cục Thủy lợi cũng đã cử người xuống khảo sát để có giải pháp tái lập đoạn đường này.

Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở - Ảnh 1.

Tuyến đường giao thông nông thôn cặp sông Ô Môn ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ bị sạt lở, được phủ bạt và rào chắn

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ năm 2010-2022, địa phương có 262 điểm sạt lở với chiều dài 9.870 m. 

Các vụ sạt lở làm tử vong 4 người, 5 người bị thương và 94 căn nhà hư hại hoàn toàn. Diễn biến của sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn ngày một nghiêm trọng và phức tạp (tăng cả cường độ và số lượng), đặc biệt là các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các cồn trên sông Hậu. Điển hình là khu vực đầu cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), sạt lở đã làm 13 ha đất trôi xuống sông. 

"Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo vệ cây cối ven sông, không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác cát, đất ven sông. Bên cạnh đó, cũng triển khai các công trình kè kiên cố bằng bê-tông cốt thép hoặc kè bảo vệ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương" - ông Nhơn nói.

Trước tình trạng sạt lở xảy ra tại ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) vào cuối năm 2022 với chiều dài 350 m, rộng 160 m, làm 13 căn nhà bị cuốn trôi và nguy cơ sạt lở tại phường 1 và 5 (TP Vĩnh Long), cù lao An Bình (huyện Long Hồ), UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Long Hồ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu việc dừng các hoạt động khai thác cát tại những vị trí từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao. 

Từ đó, đánh giá lại quy hoạch khai thác cát trên sông Tiền qua tỉnh Vĩnh Long, quản lý các hoạt động xây dựng của người dân dọc theo bờ sông... 

Bạn đang đọc bài viết "Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở" tại chuyên mục TIN TỨC.