Volkswagen T-Cross bản tiêu chuẩn gây tranh cãi vì trang bị 'bình dân'

11/05/2022 16:36

Volkswagen T-Cross phiên bản tiêu chuẩn Elegance có giá gần 1,1 tỉ đồng nhưng thiếu nhiều tính năng và để lộ nhiều trang bị khá "bình dân", hướng tới khách hàng thích trải nghiệm lái.

So với 2 mẫu xe đàn anh Tiguan (giá 1,699 tỉ đồng) và Teramont (giá 2,349 tỉ đồng), T-Cross có mức giá 1,099-1,299 tỉ đồng dễ tiếp cận nhất trong dải sản phẩm SUV của Volkswagen tại Việt Nam, chỉ cao hơn Polo.

Volkswagen T-Cross bản tiêu chuẩn gây tranh cãi vì trang bị 'bình dân' - ảnh 1

Volkswagen T-Cross Elegance bản tiêu chuẩn chỉ trang bị đèn pha Halogen, mâm đúc 16 inch

Tuy nhiên, nếu so với một số đối thủ cùng phân khúc SUV đô thị tại thị trường Việt Nam, giá bán Volkswagen T-Cross đắt hơn đáng kể, thậm chí gấp đôi Kia Seltos (giá 639 - 759 triệu đồng), MG ZS (giá 519 - 619 triệu đồng), Hyundai Creta (giá 620 - 730 triệu đồng), Toyota Corolla Cross (giá 746 - 936 triệu đồng), cao hơn đối thủ trực tiếp Peugeot 2008 (giá 769 - 849 triệu đồng) cũng là xe châu Âu với số tiền chênh lệch đáng kể.

Phiên bản tiêu chuẩn Volkswagen T-Cross Elegance công bố giá 1,099 tỉ đồng nhưng chỉ trang bị đèn chiếu sáng halogen, mâm 16 inch. Bên trong xe có ghế bọc da cơ bản, đồng hồ tốc độ dạng cơ học như xe phổ thông, chìa khóa cơ. Điểm đáng chú ý là cả hai phiên bản đều sử dụng phanh sau dạng tang trống và cốp sau đóng mở bằng tay.

Volkswagen T-Cross bản tiêu chuẩn gây tranh cãi vì trang bị 'bình dân' - ảnh 2

Nội thất của bản tiêu chuẩn Volkswagen T-Cross Elegance ít trang bị, chìa khóa vẫn xoay bằng tay

Xe có kích thước tổng thể dài, rộng, cao lần lượt 4.221 x 1.760 x 1.612 (mm) cùng khoảng sáng gầm xe 188 mm, khá linh hoạt khi di chuyển trong đô thị. Khoang hành lý dung tích 385 lít và có thể mở rộng lên mức 1.405 lít khi gập hàng ghế sau 60:40, cung cấp không gian đủ lớn cho nhiều nhu cầu. Hệ thống giải trí đáng chú ý có màn hình cảm ứng 10 inch kết nối App-Connect không dây.

Động cơ tăng áp 1.0L trang bị trên Volkswagen T-Cross cho công suất gần 115 mã lực, mô-men xoắn cực đại 178 Nm. Các thông số sức mạnh thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc như Kia Seltos 1.4 (công suất 138 mã lực và mô-men xoắn 242 Nm), Toyota Corolla Cross 1.8G (công suất 138 mã lực và mô-men xoắn 172 Nm) hay Peugeot 2008 (công suất 133 mã lực và mô-men xoắn 230 Nm).

Volkswagen T-Cross bản tiêu chuẩn gây tranh cãi vì trang bị 'bình dân' - ảnh 3

Đồng hồ tốc độ dạng cơ học trên bản tiêu chuẩn Volkswagen T-Cross

Trang bị an toàn trên xe có hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ phanh gấp BA, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo TCS, hỗ trợ trả lái DSR, khóa vi sai điện tử EDL, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA. Xe có camera lùi nhưng bản tiêu chuẩn không có cảm biến áp suất lốp.

Cái khó của Volkswagen T-Cross không chỉ cạnh tranh trức tiếp với các đối thủ cùng phân khúc xe gầm cao cỡ nhỏ mà còn liên quan tới nhóm xe thuộc phân khúc cao hơn khi trong tầm giá này, khách Việt có thể lựa chọn những mẫu SUV rộng rãi hơn, nhiều trang bị hơn và mạnh hơn như Mazda CX-8 (giá 999 triệu - 1,269 tỉ đồng), Hyundai Santa Fe (giá 1,03 - 1,34 tỉ đồng) hay Kia Sorento (giá 1,199 - 1,299 tỉ đồng).

Volkswagen T-Cross bản tiêu chuẩn gây tranh cãi vì trang bị 'bình dân' - ảnh 4

Giá bán 1,1 tỉ đồng của Volkswagen T-Cross Elegance bản tiêu chuẩn hướng tới nhóm đối tượng khách hàng riêng

Định giá bán cao nên Volkswagen T-Cross ngay sau khi ra mắt đã nhận được không ít ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng giá xe quá đắt so với các mẫu xe đối thủ. Dù vậy, mục tiêu của T-Cross là không dành cho số đông mà hướng đến đối tượng khách hàng riêng, vốn là những người ưa chuộng kiểu xe Đức vận hành chắc chắn, giống như cách "đàn em" Polo đang làm.

Tin liên quan

Volkswagen T-Cross tại Việt Nam có 2 phiên bản, giá từ 1,1 tỉ đồng Xe gầm cao cỡ nhỏ: Hyundai Creta tái xuất, Volkswagen gia nhập cuộc đua Vì sao ô tô gầm cao cỡ nhỏ ngày càng được người Việt ưa chuộng?