"Thủ phủ" nông nghiệp công nghệ cao

14/06/2022 13:02

Bình Dương không chỉ nổi tiếng là trung tâm công nghiệp mà còn được ví là "thủ phủ" nông nghiệp công nghệ cao, với những khu canh tác quy mô, hiện đại bậc nhất cả nước

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngành nông nghiệp của tỉnh này những năm qua tăng trưởng ổn định dù diện tích đất canh tác giảm. Có được như vậy là nhờ địa phương không ngừng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Dấu ấn tiên phong

Đi đầu trong khai thác lợi thế ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích đất ở Bình Dương có thể kể đến là Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm). Công ty này ra đời cách đây 12 năm, lúc mà khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ và gần như chưa ai làm. Vì thế, không hổ danh khi nói Unifarm là doanh nghiệp tiên phong với mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm, nói năm 2009, Unifarm chính thức đi vào hoạt động với diện tích được giao hơn 411 ha ở xã An Bình, huyện Phú Giáo. Khi đó nơi được giao dự án là vùng đất chỉ có gió và cỏ. Cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước… không có. Một khó khăn không nhỏ nữa là thời điểm bắt đầu làm dự án, trong nước chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào hoạt động hiệu quả để tham khảo, học hỏi. "Thế nhưng, với quyết tâm đi đầu, 10 con người gồm lãnh đạo và nhân sự kỹ thuật đã chia nhau đi các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản… để học hỏi, tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao nhằm đem về ứng dụng. "Có công mài sắt có ngày nên kim", thành quả là Unifarm đã có được như ngày nay" - ông Phạm Quốc Liêm cho biết.

Thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Unifarm là điểm sáng không chỉ tại Bình Dương mà lan rộng cả nước

Theo đó, đến nay, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân. Cụ thể, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỉ đồng/ha/năm hay mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm… Sau Khu Nông nghiệp An Thái, Unifarm mở dự án trồng chuối xuất khẩu có quy mô hơn 1.300 ha tại huyện Dầu Tiếng. Unifarm cũng đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho nhiều đối tượng khác, từ những nông dân sản xuất quy mô nhỏ đến các công ty lớn với quy mô trang trại lên đến vài ngàn hecta tại Việt Nam.

Đánh giá về mô hình trên, ông Võ Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, nhận xét Unifarm đã xác định sản phẩm đúng nhu cầu thị trường, chọn lựa công nghệ và kỹ thuật phù hợp, xây dựng nguồn nhân lực phù hợp cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm đã được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận và ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Đặc biệt là dưa lưới do Unifarm trồng từ năm 2010 đã góp phần đánh bật dưa lưới Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam, khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam. Các sản phẩm chuối của Unifarm cũng được xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Nhật Bản, với giá ngang bằng với chuối nhập từ các quốc gia có truyền thống trồng chuối lâu đời như Ecuador và Philippines.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, ngay từ đầu, tỉnh đã xác định cái khó nhất của doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao là vốn, kế tiếp là sản phẩm đầu ra. Do đó, tỉnh đã có chính sách đặc thù riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là người dân hay doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao được vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 3,2%/năm. "Để tiếp cận gói hỗ trợ này, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng phương án, sau đó sở sẽ thẩm định và quỹ đầu tư của tỉnh thẩm tra để cấp vốn, với điều kiện doanh nghiệp thế chấp bằng tài sản. Thời gian tới, để hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài vốn, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ hợp tác xã để có đầu ra cho sản phẩm" - ông Võ Văn Bông nói về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ có những chính sách ưu đãi, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có đến 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, gồm Khu Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên), Khu Tân Hiệp - Phước Sang (huyện Phú Giáo), Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).

Theo ông Võ Văn Minh, việc phát triển mạnh về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đang góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng có được kết quả trên là nhờ sự chủ động hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa ngành khoa học và nông nghiệp, tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn. "Đặc biệt, với việc phát huy lợi thế của mô hình hợp tác 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững" - ông Võ Văn Minh đúc kết. 

Với 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, Bình Dương trở thành địa phương có nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao nhất cả nước.

Bạn đang đọc bài viết ""Thủ phủ" nông nghiệp công nghệ cao" tại chuyên mục TIN TỨC.