Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi

26/01/2023 20:04

Đối với những người đi biển, sau những ngày dài đánh bắt thuỷ sản trên biển, sau màn đêm đen bao phủ, khi họ nhìn thấy hải đăng tức là nhìn thấy nhà.

Hành trình đến với đảo Kê Gà

9h sáng giữa cái nắng oi bức của miền biển vào dịp cuối năm, chúng tôi có mặt tại bến Kê Gà (xã Tiến Thành, Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để bắt đầu chuyến hành trình đến với đảo Kê Gà, nơi ở của những người gác đèn.

Mỗi ngày có vài chuyến tàu di chuyển qua đảo bằng cano. Dịch vụ cano này rất an toàn, có trong bị đầy đủ áo phao cho du khách. Từ đất liền di chuyển ra đảo khoảng 3 phút.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi

Khu vực bên bờ du khách phải đi cano qua đảo Hải đăng Kê Gà. (Ảnh: Đắc Phú).

Tiếp đó chúng tôi phải di chuyển một đoạn khoảng 500m bằng đường bộ vượt qua những tảng đá lớn để đến chỗ Hải Đăng. Đón chúng tôi là anh Đậu Văn Côi - Trạm trưởng Trạm hải đăng Kê Gà nước da rám nắng, nụ cười hiền lành, khuôn mặt đầy sương gió, chân chất đậm chất người vùng biển.

Những người ở đây kể rằng, con đường này khi xưa đi lại rất khó khăn. Năm 2008 cơ quan mới cải tạo, biến nó thành con đường và lót gạch để có thể di chuyển cho việc mua lương thực thực phẩm đỡ vất vả hơn, du khách tới chiêm ngưỡng ngọn hải đăng cũng thuận tiện hơn.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 2).

Anh Đậu Văn Côi - Trạm trưởng Trạm hải đăng Kê Gà. (Ảnh: Đắc Phú).

Trạm hải đăng Kê Gà được xây dựng tháng 2/1897 và hoàn thành vào cuối năm 1898, đến nay là 123 năm đi qua 3 thế kỷ. Thân hải đăng hình bát giác, mỗi cạnh chân tháp rộng 3m, đỉnh rộng 2,5m, móng nằm ở độ cao 25m so với mực nước biển, tháp cao 41m. Chất liệu xây dựng bằng đá granit, thân tháp bên trong có thang đi lên hình xoắn ốc có 183 bậc thang lên đến đỉnh, phía trên cùng là nơi đèn của ngọn hải đăng chiếu sáng.

Trạm trưởng Côi cho hay: “Hồi xưa nhận công tác từ ngoài này thì phải đi bằng tàu biển đi từ Tp.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ra đây thì đi từ sáng đến chiều mới đến, ra đây thì không có chợ nên cuộc sống khó khăn; ti vi, mạng, báo chí đều không có.

Thời kỳ đầu anh em phải trang bị một cái thúng, rồi tập bơi, tập chèo để đi vào đất liền để mua cá, lương thực để trang trải cuộc sống. Sau này, các anh em cũng trồng thêm các loại rau như: rau lang, khế tàu, lá giang, rau cải... Còn như bây giờ, có đường xá thuận tiện, anh em đi chợ thuận lợi nhiều hơn trước, đỡ vất vả hơn”.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 3).

Tháp hải đăng kê gà. (Ảnh: Đắc Phú).

Theo anh Côi nhiệm vụ chính trị lớn nhất là bảo dưỡng, vận hành cái đèn, thời gian phát sáng là phải đảm bảo. Nếu bị sự cố thì phải xử lý ngay trong vòng 5 đến 10 phút hoặc thay đèn phụ chứ không thể để lâu hơn được. Tất cả đều trực 24/24.

Công việc hàng ngày của những người gác đèn: Buổi sáng bảo dưỡng cây đèn và quan sát các vùng biển lân cận coi có tai nạn hàng hải nào không hoặc công tác về môi trường dầu thải thì phải kịp thời báo cáo lên cấp trên ngay.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 4).

Du khách đi cano đến đảo Kê Gà. (Ảnh: Đắc Phú).

Hải đăng Kê Gà có có tầm hiệu lực ban ngày 19,6 hải lý và ban đêm là 18 hải lý (gần 50km). Hiện nay, nguồn cung cấp điện cho Hải đăng là bằng năng lượng mặt trời. Thực hiện nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu bè qua lại, bắt đầu từ 18h hôm trước và kết thúc vào 6h sáng hôm sau.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 5).

Cây đèn ở ngọn hải đăng Kê Gà. (Ảnh: Đắc Phú).

Khó khăn là anh em nào cũng xa nhà, cơ quan tạo điều kiện nghỉ bù 5 ngày về thăm vợ con, những ngày mưa bão thì trước đó phải đi chợ mua lương thực dữ trữ vì tới lúc đó cấm tàu thuyền. Trên trạm cũng tăng gia sản xuất chăn nuôi gà, vịt để đảm bảo nhu cầu cuộc sống khi đến mùa mưa bão.

Hải đăng không bao giờ tắt

Những cựu lão thành ngày xưa có ở đây kể rằng: từ những năm 1990, hồi đó ngọn hải đăng kê gà này chỉ được thắp bằng dầu, sau này thắp đèn ngọn hải đăng bằng máy phát điện từ năm 1990 đến 2005. Đến mùa tết khi trực ở đây có cảm giác rất nhớ nhà vì đa số anh em ở đây ở miền Trung.

Nói về tầm quan trọng của cái đèn khi bị mất điện, anh Côi trạm trưởng kể: khuya năm 1994 có một hôm buổi tối khi giông, bão, kéo đến kèm theo mưa lớn thì cây sứ bị ngã đè đứt hai sợi dây từ máy phát điện lên cái đèn.

Khi người dân đang đánh bắt chuẩn bị vào bờ thì đi theo hướng mà có cây đèn hải đăng, tuy nhiên đi một lúc thì đèn bị tắt do giông, bão nên người dân cứ chạy và bị lạc vào bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 6).

"Ngọn đèn" không bao giờ tắt.

Hải đăng không bao giờ được tắt- đó là mệnh lệnh từ trái tim của những cán bộ, nhân viên tại Trạm hải đăng Kê Gà.

“Đèn Hải đăng hoạt động từ 18h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau. Ngày nào có giông gió, sương mù, thời tiết xấu thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn.

Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng, thì đèn phụ được bật lên để thay thế và ngay lập tức phải khắc phục sự cố đèn chính. Trong bất luận điều kiện nào, đèn Hải đăng không được tắt. Bởi Hải đăng Kê Gà không chỉ làm mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển”, anh Côi cho biết.

Nỗi nhớ nhà khi chuẩn bị đến Tết

Rời hải đăng Kê Gà, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến ngọn Hải đăng Phan Thiết. Đón chúng tôi là một anh trạm trưởng tuổi đời còn rất trẻ với lòng yêu nghề tha thiết.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 7).

Ngọn Hải đăng Phan Thiết. (Ảnh: Đắc Phú).

Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Tân cho biết: “Những công nhân vận hành trạm Hải đăng Phan Thiết luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật trong quá trình làm việc tại đơn vị mình, luôn kịp thời xử lý, khắc phục những sự cố đột xuất xảy ra tại trạm.

Nếu có sự cố như: đèn tắt, sự cố về thiên tai ( sét đánh, sạt lở, cháy nổ …) thì phải đảm bảo thời gian xử lý, khắc phục sự cố theo thời gian quy định.

Với lòng yêu ngành yêu nghề, chúng tôi luôn xem trạm là nhà, biển là quê hương quanh năm quen với nắng mưa, gió biển. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn tự hào với công việc của mình đang làm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 8).

Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Tân trao đổi với PV Người Đưa Tin. (Ảnh: Đắc Phú).

Trạm Hải đăng Phan Thiết được xây dựng mới và đưa vào sử dụng năm 2000. Ngọn đèn có chiều cao 15m, hình dạng tháp đèn hình trụ, khoang ngang màu trắng, đỏ xen kẽ. Phạm vi chiều sáng 360o, tầm hiệu lực ánh sáng 10 hải lý.

Anh Ngô Minh Hậu vừa bảo trì ngọn hải đăng vừa chia sẻ với chúng tôi: “Quê tôi ở huyện Cần Giờ (Tp.HCM). Mỗi khi Tết đến xuân về tôi rất nhớ nhà nhưng với khát khao của tuổi trẻ và niềm đam mê với công tác gác đèn đã cho tôi động lực vượt qua mọi khó khăn để đảm bảo ánh sáng của ngọn hải đăng giúp định hướng cho tàu thuyền trên vùng biển Bình Thuận được an toàn”.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 9).

Anh Ngô Minh Hậu, Trạm Hải đăng Phan Thiết đang bảo trì ngọn đèn. (Ảnh: Đắc Phú).

Trạm trưởng Nguyễn Minh Tân cho biết thêm: “Để đảm bảo ánh sáng của ngọn hải đăng hoạt động tốt giúp cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bình Thuận được an toàn. Một ngày công việc của anh em trạm bắt đầu từ sáng sớm với việc bảo trì thiết bị báo hiệu hàng hải: vệ sinh, kiểm tra thấu kính, kính bảo vệ, bóng đèn... vệ sinh công nghiệp khu vực đặt thiết bị".

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 10).

Quan sát tàu thuyền trên biển. (Ảnh: Đắc Phú).

"Bên cạnh đó, kiểm tra các thông số kỹ thuật của đèn như độ trùng tâm của nguồn sáng và bóng đèn, bộ điều khiển chớp, điện áp làm việc, dòng điện tiêu thụ, đặc tính ánh sáng của đèn, kiểm tra hệ thống nạp pin năng lượng mặt trời, ắc quy....

Điều đáng nói ở đây, là những đêm giao thừa ai cũng muốn quây quần bên gia đình, vợ con. Thế nhưng với đặc thù công việc nên có những anh em nhiều năm rồi chưa được đón giao thừa cùng người thân”, anh Tân cho biết thêm.

Sự kiện - Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi (Hình 11).

Nhân viên trạm hải đăng Phan Thiết Kiểm tra hoạt động của đèn và tàu thuyền trên biển. (Ảnh: Đắc Phú).

Trong không khí mùa xuân đang đến gần, ngoài công việc chuyên môn các cán bộ, nhân viên đang tích cực tăng gia sản xuất như trồng rau xanh (cải, bầu, bí), nuôi ga vịt… để bảo đảm cho cuộc sống hằng ngày.

 “Mắt thần” canh biển

Giữa bốn bề sóng biển, người gác đèn luôn tự túc lương thực, đánh bắt cá và trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ban ngày, nhân viên nhà đèn huấn luyện chiến đấu như bộ đội. Đến tối, lính nhà đèn thức cùng với ánh sáng hải đăng. Bất kể mùa biển lặng hay mùa bão tố, khi ngọn hải đăng nhấp nháy, cũng là lúc lính nhà đèn vào ca. Song ở giữa ngàn khơi bao la biển lớn, những người lính thợ đèn như con ong chăm chỉ, ngày đêm thầm lặng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để mỗi ngọn hải đăng mãi mãi là mắt thần canh biển đảo của Tổ quốc.