Màn hình 120 Hz có thực sự cần thiết?

08/05/2023 00:03

Tần số quét hay tốc độ làm tươi màn hình đều được các hãng di động trang bị cho các smartphone flagship của mình, liệu đây cho phải tiêu chí để chọn điện thoại.

Tần số quét màn hình là tiêu chí được nhiều hãng di động quảng cáo. Ảnh: Realme.

Cách đây khoảng 3 năm, tần số quét màn hình điện thoại hầu như không được nhiều người dùng quan tâm. Tuy nhiên, tính năng này đang dần được các hãng di động chú tâm quảng cáo trên các sản phẩm cao cấp.

Những chiếc flagship của Samsung hay Apple đều được trang bị tần số quét 120 Hz, các điện thoại chơi game thậm chí có màn hình lên tới 240 Hz. Vậy tốc độ làm tươi có ích lợi gì và người dùng có nên chọn điện thoại có tần số quét bao nhiêu.

Tần số quét là gì

Thông tin người dùng thấy trên màn hình điện thoại thực chất không phải là hình ảnh động mà là một chuỗi các khung hình tĩnh được chiếu lên với tốc độ rất nhanh, tạo cảm giác như chúng đang chuyển động thực sự.

Tần số quét có thể hiểu đơn giản là chỉ số đo số lần hình ảnh trên màn hình thay đổi (số khung hình hiển thị) mỗi giây và được đo bằng Hertz (Hz).

Màn hình có tốc độ làm mới 60 Hz hiển thị 60 khung hình/giây. Tương tự, màn hình 120 Hz và 240 Hz sẽ hiển thị với tốc độ tương ứng là 120 khung hình/giây và 240 khung hình/giây.

Tan so quet man hinh anh 1

Các dòng điện thoại cao cấp hiện nay đều được trang bị tấm nền với tần số quét 120 Hz. Ảnh: CNET.

Do đó, tần số quét cao hơn nghĩa là độ mờ của chuyển động ít hơn và chất lượng hình ảnh rõ hơn đáng kể, từ đó mang lại trải nghiệm xem mượt mà hơn, đồng thời giúp người dùng đỡ mỏi mắt khi nhìn quá lâu trên màn hình.

Cách đây 3-4 năm, hầu hết điện thoại thông minh đều được trang bị màn hình 60 Hz.Tuy vậy, ở năm 2023, smartphone tầm trung với tần số quét 90 Hz đang trở nên phổ biến. Các flagship cao cấp thường có tấm nền 120 Hz. Một số sản phẩm cũng có thể sở hữu màn hình lên tới 144 Hz, 165 Hz hoặc 240 Hz.

Cụ thể, iPhone 14 Pro hỗ trợ tốc độ màn hình lên tới 120 Hz. Trong khi các mẫu điện thoại chơi game như Asus ROG 6 Pro có tần số quét lên tới 165 Hz.

Trong một vài trường hợp, người dùng có thể đặt tốc độ khung hình thủ công trong phần cài đặt nếu muốn giữ tốc độ khung hình thấp hơn mức tối đa để kéo dài tuổi thọ pin hoặc tránh giảm độ phân giải.

Ưu và nhược điểm của tần số quét cao

Điểm mạnh lớn nhất của màn hình có tần số quét cao là giúp thao tác chuyển động trên màn hình mượt mà.

Mặc dù các thao tác như lướt web hay Facebook không có sự khác biệt quá lớn đủ để người dùng bình thường nhận ra, các ứng dụng và nội dung có nhiều chuyển động như game sẽ mượt mà hơn nhiều với màn hình có tần số quét cao.

Điều này sẽ rất rõ để nhận ra khi người dùng đặt hai thiết bị có tần số quét 60 Hz và 120 Hz cạnh nhau.

Tan so quet man hinh anh 2

Sự khác biệt giữa tần số quét 60 Hz và 120 Hz. Ảnh: Xiaomi.

Tuy vậy, màn hình với tần số quét cao sẽ ngốn một lượng lớn sức mạnh xử lý do đó sẽ gây tốn pin hơn nhiều, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người dùng đang đi du lịch hoặc không có nơi để sạc điện thoại.

Trong bài thử nghiệm của YouTuber Darius K, chiếc Xiaomi BlackShark S4 tiêu tốn 23% pin trong vòng 1h chơi game ở 120 Hz, còn 90 Hz chỉ là 18%.

Ngoài ra, một số hãng điện thoại lựa chọn giảm độ phân giải màn hình để cân bằng năng lượng tiêu thụ cho tốc độ làm mới cao, khiến hình ảnh không còn đẹp, sắc nét.

Hơn nữa, hầu hết ứng dụng hiện nay chưa hỗ trợ tốc độ làm mới quá 120 Hz, nghĩa là trải nghiệm sẽ không mượt mà hơn trên màn hình 240 Hz so với trên màn hình 120 Hz.

Vì vậy, nếu người dùng thường sử dụng smartphone để chơi game và mong muốn trải nghiệm nhanh mượt, không xảy ra hiện tượng giật, lag, khựng khung hình thì một chiếc smartphone được hỗ trợ màn hình 120 Hz sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc.

Còn với người dùng phổ thông, không quá quan tâm đến trải nghiệm lướt mượt mà, và ưu tiên thời lượng pin, những chiếc smartphone tầm trung với màn hình 60-90 Hz sẽ phù hợp hơn để sử dụng hàng ngày.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Bạn đang đọc bài viết "Màn hình 120 Hz có thực sự cần thiết?" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.