Khen công nghệ Trung Quốc nhưng quyết từ chối, chốt Đức xây đường sắt cao tốc 8,7 tỷ USD, nước châu Phi ‘chơi lớn’ tạo mạng lưới lớn thứ 6 thế giới

05/09/2024 22:50

Một nước châu Phi đang xây hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ 6 thế giới.

Khen công nghệ Trung Quốc nhưng quyết từ chối, chốt Đức xây đường sắt cao tốc 8,7 tỷ USD, nước châu Phi ‘chơi lớn’ tạo mạng lưới lớn thứ 6 thế giới- Ảnh 1.

Hiện nay, Ai Cập đang tiến hành xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn thứ 6 thế giới. Cụ thể, theo trang Railway Technology, vào năm 2022, Bộ Giao thông vận tải Ai Cập đã lên kế hoạch xây dựng siêu hệ thống đường sắt cao tốc có trị giá 8,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, trước đó vào năm 2021, Ai Cập đã tiến hành xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên, từ Ain Sukhna ở đầu phía nam của kênh đào Suez, đến Alexandria và thành phố cảng Marsa Matruh đến Biển Địa Trung Hải ở Ai Cập, toàn tuyến trị giá 4,5 tỷ USD.

Khi mở thầu, doanh nghiệp Trung Quốc và Tập đoàn Siemens của Đức đã nỗ lực giành lấy dự án này. The Economic Times cho biết, sau một thời gian cân nhắc, Ai Cập đã chính thức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Siemens của Đức thực hiện dự án.

Trước đây, Trung Quốc đã thành công xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên ở Ai Cập và được đành giá rất cao về công nghệ. Trang Global Times đưa tin, các phái viên nước ngoài gồm có Ai Cập cho biết rất ấn tượng với công nghệ đường sắt của Trung Quốc. Thậm chí, một đặc phái viên còn chia sẻ: “Thật sự ấn tượng. Chúng tôi đã thấy những cỗ máy hoạt động của trung Quốc. Chúng tôi đã thấy sự đổi mới, công nghệ, tài năng, tất cả chúng kết hợp lại để đạt được những dự án lớn”.

Mặc dù đánh giá rất cao công nghệ của Trung Quốc nhưng Ai Cập vẫn quyết chọn công nghệ của Đức cho các tuyến đường sắt của mình. Không chỉ tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên mà còn chốt công nghệ Đức cho tuyến đường sắt 8,7 tỷ USD.

Gói thầu có giá trị tới 8,7 tỷ USD (giá trung bình 4,35 triệu USD/ 1 km) được Siemens Mobility, công ty con thuộc Tập đoàn Siemens, ký với Chính phủ Ai Cập cùng 2 tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors. Ai Cập cho biết dự án này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, không chỉ cho đường sắt Ai Cập mà rộng hơn là cả châu Phi và khu vực Trung Đông.

Tại buổi ký kết vào năm 2022, ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens phát biểu: “Với những công nghệ mới nhất của Siemens về đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu và dịch vụ bảo trì, Ai Cập sẽ sở hữu hệ thống đường sắt cao tốc lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe buýt và ô tô hiện tại”.

Theo thiết kế, mạng lưới đường sắt cao tốc mới này của Ai Cập có tổng chiều dài 2.000 km, kết nối 60 thành phố. Các đoàn tàu có thể chạy với vận tốc 230 km/giờ, phục vụ khoảng 90% người dân ở Ai Cập. Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu kéo hàng. Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng với hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.

Đặc biệt, bản siêu hợp đồng này cũng góp phần thay đổi cuộc sống cho hàng triệu người dân Ai Cập khi tạo ra khoảng 40.000 việc làm trực tiếp, gần 7.000 việc làm gián tiếp thông qua các thành phần kinh tế khác.

Về công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc của Đức, nổi tiếng với hệ thống ICE, các tàu ICE có thiết kế khí động học tiên tiến, giúp giảm lực cản và tiêu thụ năng lượng, tăng cường hiệu suất vận hành. Cùng với đó, Đức sử dụng hệ thống kiểm soát tàu tự động tiêu chuẩn châu Âu ETCS. Hệ thống này giám sát liên tục vị trí, tốc độ của tàu, có thể can thiệp để giảm tốc độ hoặc dừng tàu trong trường hợp khẩn cấp. Nhờ có hệ thống tự động hóa, người lái tàu chỉ can thiệp trong trường hợp trục trặc hoặc bất thường, phương tiện tự khởi động, tăng tốc, phanh và dừng lại.

Không chỉ vậy, hệ thống thông tin liên lạc đặc biệt dành cho đường sắt cao tốc, đảm bảo liên lạc liên tục và tin cậy giữa tàu và trung tâm điều hành được cải tiến liên tục. Một số tuyến đường sắt cao tốc ở Đức sử dụng công nghệ CBTC, cho phép giám sát và điều khiển tàu một cách tự động, tăng cường độ an toàn và hiệu quả.