Hướng dẫn chế độ hưu trí với người làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn

22/10/2021 16:08

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn giải quyết chế độ hưu trí với người lao động làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có Công văn số 3582/LĐTBXH-BHXH gửi BHXH Việt Nam cho ý kiến về việc giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại Công văn 3582/LĐTBXH-BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 2 Điều 187) quy định người lao động làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 54) quy định người lao động có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên có thể được hưởng lương hưu sớm hơn 5 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Bộ luật Lao động năm 2019 (khoản 3 Điều 169 và khoản 1 Điều 219) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã sửa đổi các quy định nêu trên của Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, theo đó người lao động có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Căn cứ các quy định nêu trên, khi xem xét, giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động có thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì chỉ tính thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 1/1/2021 trở đi, thời gian trước ngày 1/1/2021 không tính theo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà tính theo nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Tuổi nghỉ hưu năm 2022 có gì mới?

Căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động năm 2022 được áp dụng như sau:

Người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 6 tháng đối với lao động nam (hiện nay chỉ cần đủ 60 tuổi 3 tháng), đủ 55 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ (hiện nay chỉ cần đủ 55 tuổi 4 tháng).

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tuệ Minh

Xem thêm: Quy định việc thu, nộp, quản lý, sử dụng chi phí về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

                :Doanh nghiệp muốn có "chỗ để kiến nghị các hành vi sách nhiễu"
 
* Quý vị độc giả quan tâm, thắc mắc các vấn đề liên quan văn bản, chính sách mới, vui lòng email cho chúng tôi theo địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn