Giảm phí để cứu doanh nghiệp vận tải trong bão giá xăng dầu

16/06/2022 20:42

Vừa gượng dậy sau dịch Covid-19 lại chịu "cú bồi" giá xăng dầu liên tục leo thang khiến các doanh nghiệp vận tải méo mặt lo thua lỗ vì thu không đủ bù chi.

Chiều 13/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ với xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít. Đối với giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel là 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua hơn 10 lần điều chỉnh tăng liên tục. Theo dự báo, cơn bão giá chưa có dấu hiệu tạm ngưng, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6.

Việc giá xăng dầu liên tục leo thang đã đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rơi vào tình thế "khó khăn chồng chất khó khăn".

Ông Nguyễn Văn Chánh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, cho biết các doanh nghiệp vận tải hiện nay đều đang trong tình trạng kiệt quệ, khó khăn đủ đường.

Chiếm 30 - 40% tổng chi phí, giá nhiên liệu tăng phi mã trong khi giá cước đã ký với đối tác, bạn hàng không thể điều chỉnh hoặc nếu có cũng không thể tăng tương ứng. Ngoài ra còn tiền phải ứng ra để mua nhiên liệu, kèm theo giá vỏ xe, chi phí sửa chữa, vật tư… tất cả đều tăng, đẩy các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh không có khách thì điêu đứng mà có khách cũng khốn khổ.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc tuyến quốc lộ 13 hướng về Tp.HCM, tình trạng xe tải, taxi nằm bãi la liệt hoặc dán chữ "bán xe" ngày càng nhiều. Tại bãi xe của nhà xe P.T., hàng trăm chiếc taxi 4 - 7 chỗ phải nằm bãi gần 1 tháng nay và chưa có dấu hiệu khởi động lại. Một số hãng xe chở khách có nguy cơ phá sản, buộc phải thanh lý xe giá rẻ vì càng chạy càng lỗ.

Theo ông Đào Ngọc Tuấn, chủ nhà xe Tuấn Duyên chạy tuyến Tp.HCM - Hà Nội, chi phí dầu cho một chuyến xe Bắc - Nam trước đây chỉ khoảng 15 triệu, nay tăng lên 30 triệu đồng, chưa tính khấu hao. Chi phí tăng nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch, càng chạy càng lỗ nên doanh nghiệp đang tính đến phương án bán xe. "Nhưng với giá xăng dầu quá cao hiện nay, việc bán được xe với giá mà doanh nghiệp mong muốn lại là một câu chuyện khó", ông Tuấn nói.

Nhiều nhà xe cho biết dù lỗ vẫn phải chạy vì dừng chạy phải bán xe, nếu bán không được sẽ vỡ nợ, phá sản. Anh Nguyễn Kha, chủ nhà xe Anh Thư chạy tuyến Đà Nẵng - Tp.HCM, cho biết đã thanh lý 2 chiếc xe 45 chỗ, chỉ còn lại 3 chiếc. "Giá dầu tăng kiểu này mỗi lần xuất bến là chấp nhận lỗ 4 - 5 triệu đồng/chuyến", anh Kha nói và cho rằng doanh nghiệp phải tăng giá vé nhưng cũng lo xe hoạt động sẽ không hiệu quả nếu số lượng khách giảm.

Ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận chuyển Á Châu (quận 12, Tp.HCM) cho hay giá xăng dầu đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Với hành trình từ Tp.HCM - Hà Nội và quay vào lại, một xe container tiêu tốn 1.500 lít dầu với chi phí khoảng 45,6 triệu đồng tính theo giá dầu hiện nay, tăng thêm 18 - 23 triệu đồng/chuyến so với cùng kỳ năm trước khi giá dầu chỉ vào khoảng 15.000 - 18.000 đồng/lít.

Doanh thu một chuyến container chở hàng hóa thông thường chỉ khoảng 80 triệu đồng, trong đó riêng chi phí xăng dầu đã tốn tới 45,6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau khi giá xăng dầu tăng mạnh từ ngày 13/6, doanh nghiệp này đã triệu tập cuộc họp khẩn tính toán phương án tăng giá cước vì "không thể gồng được nữa".

Đáng chú ý, trong các loại phí mà doanh nghiệp vận tải đường bộ phải gánh có phí bảo trì đường bộ dù hoạt động hay không cũng phải đóng.

Theo quy định, các xe ngưng hoạt động từ 3 - 6 tháng mới được làm đơn đăng ký miễn phí bảo trì đường bộ. Thủ tục nhiêu khê và chỉ xét duyệt trên từng xe, muốn được giảm phí không hề dễ dàng. Cũng vì giá xăng dầu tăng mạnh nên tình trạng xe chở quá khổ, quá tải ngày càng diễn biến phức tạp.

“Thay vì chở 1 công (container hàng hóa - PV) giá 2 triệu đồng, giờ họ nhét lên thành 2 công/chuyến, lấy 3 triệu đồng để bù lại cho giá nhiên liệu tăng quá cao. Điều này gây nên cạnh tranh thiếu bình đẳng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã khổ, lại càng khổ hơn. Chính phủ cần nhanh chóng cân đối, hỗ trợ doanh nghiệp nhờ các chính sách sát sườn, thiết thực như giảm thuế, phí hay cải thiện thủ tục, quản lý triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải để các doanh nghiệp vận tải vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn này”, ông Nguyễn Văn Chánh nêu ý kiến.

Theo Thanh Niên, mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các Cục Đường sắt, Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.

Theo yêu cầu rà soát của Bộ Tài chính về việc giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các Cục chuyên ngành của Bộ nghiên cứu, rà soát. Trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng, các Cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với các đối tượng nộp phí và ngân sách Nhà nước. Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu, báo cáo Bộ GTVT để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn về việc xem xét, quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng đất cảng nước, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ Tài chính, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường để góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Về đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do giá nhiên liệu tăng, Bộ Tài chính khẳng định pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng.

Trong khi đó, Sở GTVT Tp.HCM mới đây đã có văn bản kiến nghị UBND, HĐND TP điều chỉnh giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa. Đồng thời, đề xuất mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu ở các địa phương khác được hưởng mức hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại Tp.HCM.

Minh Hoa (t/h)