Đề xuất kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam

20/06/2022 06:00

Nội dung chi cho Chương trình số hóa di sản văn hóa thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục V Điều 1 Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021.

Ngày 13/6, Bộ Tài chính đã giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến với dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Dự thảo này quy định về nguồn kinh phí, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021.

Điều 6 Dự thảo quy định rõ nội dung và mức chi Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, chi tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, bao gồm: Trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trong nước và một số bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản trưng bày thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mức chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, quảng cáo, các ứng dụng tìm kiếm; sản xuất tài liệu, ấn phẩm điện tử, video clip, phim ngắn phục vụ cho giới thiệu, quảng bá; tổ chức các chương trình truyền hình thực tế, chương trình phát trực tiếp trên nền tảng số (livestream); xây dựng chuyên mục trên trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chuyên môn về văn hóa ở địa phương. Mức chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định và quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chi thực hiện việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng: Thực hiện theo các quy định hiện hành tại Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành về xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Thông tư 15/2022/TT-BTC.

Chi thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền): Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

Về chi thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo dự thảo quy định, nội dung chi Chương trình số hóa di sản văn hóa thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Mục V Điều 1 Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan, đơn vị được phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ số hóa di sản văn hóa căn cứ quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các quy định của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và các văn bản hướng dẫn, các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin truyền thông để thực hiện. Các khoản chi phải đảm bảo có đầy đủ hợp đồng, hóa đơn, chúng từ hợp pháp, hợp lệ và quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tuệ Minh