Đề xuất giữ lại 100% phí tham quan để trùng tu, bảo tồn di sản Huế

11/10/2021 20:01

Mỗi năm, công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế có thể tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Mỗi năm chi 1.000 tỷ bảo tồn cố đô Huế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện, nhu cầu vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế khá lớn, khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, trong khi ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế.

"Do đó, nếu được để lại 100% nguồn thu phí tham quan nộp ngân sách Nhà nước cho địa phương sử dụng cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích thì bình quân một năm, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có thêm khoảng 260 tỷ đồng/năm để cùng với nguồn vốn đầu tư công, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác để đầu tư đẩy nhanh công tác trùng tu, bảo tồn di tích, giảm thiểu mức độ xuống cấp của các di tích", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chính sách - Đề xuất giữ lại 100% phí tham quan để trùng tu, bảo tồn di sản Huế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế.

Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hình thành Quỹ bảo tồn di sản Huế từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn tài trợ, nguồn thu hợp pháp và cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách do cấp mình quản lý để hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và giao Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý, sử dụng Quỹ này.

"Bên cạnh những di sản do Nhà nước trực tiếp quản lý, có nhiều di sản văn hóa Huế thuộc sở hữu của các tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân (không do Nhà nước quản lý) như nhà rường, đình làng, miếu…đang xuống cấp nghiêm trọng cần huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dùng cho biết, theo quy định hiện hành, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho quỹ ngoài ngân sách khi có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Theo các quy định này, các địa phương khác không được hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Tuy nhiên, để góp phần huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, trùng tu quần thể di sản văn hóa Huế, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Có ý kiến cho rằng, đây là cơ chế khác biệt so với các địa phương khác, tương ứng với đặc thù của tỉnh. Tuy nhiên, nội dung tại Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết về Quỹ bảo tồn di sản Huế là chưa rõ ràng. Để có căn cứ xem xét, cho ý kiến, đề nghị Chính phủ làm rõ mô hình, tính chất, cơ chế sử dụng của Quỹ bảo tồn di sản Huế. 

Đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40%

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong khi thu ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác còn hạn chế nên cân đối ngân sách địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc đề xuất mức dư nợ vay tối đa là 40%, tương đương mức dư nợ vay khoảng 2.587 tỷ đồng sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện; chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công. Hiện, Quốc hội đã cho phép Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được áp dụng chính sách đặc thù tương tự này.

Chính sách - Đề xuất giữ lại 100% phí tham quan để trùng tu, bảo tồn di sản Huế (Hình 2).

Quang cảnh Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/10.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất này và cho rằng, đây là mức hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của Tỉnh, đồng thời góp phần tạo dư địa để tỉnh Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa, song đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc: phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách địa phương; phù hợp với khả năng huy động trong bối cảnh hiện nay; phù hợp với tổng mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định hàng năm.

Được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua rà soát, hiện có khoảng 15 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ các đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị, chuyển trụ sở với diện tích đất khoảng 30.000m2. Dự kiến tổng số thu tiền sử dụng đất gắn tài sản trên đất khoảng 600 tỷ đồng (đã bao gồm kinh phí di dời đến địa điểm mới); khi đó, kinh phí ngân sách Tỉnh được hưởng theo tỉ lệ 50%, khoảng 300 tỷ đồng.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất khó khăn, yêu cầu, nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn các công trình di sản cố đô và văn hóa Huế trong giai đoạn tới là rất lớn, việc được hưởng 50% khoản thu nêu trên sẽ là nguồn thu bổ sung quan trọng cho ngân sách địa phương.

Ngoài ra, chính sách này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Hiện, Quốc hội đã cho phép Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh được áp dụng chính sách đặc thù tương tự này.