Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào nhóm hàng hoá do Nhà nước định giá

16/08/2022 22:02

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất đưa ra khỏi danh mục 15 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng danh mục đã đề ra; bổ sung 5 mặt hàng khác...

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đăng tải, ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì thẩm định dự án Luật Giá (sửa đổi).

Thu hẹp danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.

Công tác quản lý, điều tiết giá đã góp phần kiểm soát lạm phát hàng năm theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; hệ thống giá điện, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có lộ trình; thu hẹp danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (chỉ định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội); không thực hiện bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá; phát triển nghề thẩm định giá theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn...

Tuy nhiên, sau 9 năm thi hành, một số quy định của Luật giá đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện. Một số Bộ Luật, Luật khác cũng có quy định về giá, trong đó có những quy định trùng lặp nhưng cũng có những quy định mở rộng hơn, thậm chí một số quy định gây ra chồng chéo, mâu thuẫn với Luật giá như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đấu giá tài sản...

Do vậy, việc sửa đổi Luật giá là cần thiết. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 7 chương, 72 điều. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của Luật giá (sửa đổi) đó là tiêu chí hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật 2012 tiếp tục được kế thừa thì tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh”.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 15 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng Danh mục đã đề ra tại Luật. Đồng thời đề nghị bổ sung 5 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa; Dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác; Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất; Vật liệu nổ công nghiệp; Dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.

Phân cấp cho Bộ, ngành định giá

Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, dự thảo Luật đã bỏ cấp định giá là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, theo quy định tại Luật giá thì Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản dưới Luật; Thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp Bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp UBND tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý.

Theo Bộ Tài chính, việc phân chia như trên là phù hợp với công tác tổ chức thực hiện trong thực tiễn, phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương để thuận lợi triển khai, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phân cấp như vậy sẽ rất khó cho các Bộ bởi đây là chức năng mới, các đơn vị của Bộ nếu không có chuyên môn sâu thì không thể làm được, nhất là trong việc xác định giá tối thiểu, tối đa, mặt hàng được nhà nước trợ giá. Nếu phân cấp, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể. Đồng quan điểm, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần cân nhắc thêm việc phân cấp cho Bộ ngành bởi sẽ liên quan đến cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ theo quy định của Chính phủ.

Còn đại diện Bộ Y tế đề nghị cần rà soát kỹ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp cho các Bộ vì sẽ liên quan đến việc xây dựng cơ quan chuyên trách về giá, cơ sở dữ liệu về giá kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Do vậy, cần đánh giá kỹ để xây dựng lộ trình, thời hạn thực hiện chứ rất khó triển khai ngay.

Đại diện Bộ Công thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm về một số dịch vụ hàng hóa đặc thù, trong đó có giá điện khi giao thẩm quyền, trách nhiệm định giá cho cấp Bộ. Lý giải điều này, đại diện Bộ Công thương cho rằng giá điện liên quan trực tiếp đến người dân, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống và giá điện bình quân hiện do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị làm rõ hơn mục đích, yêu cầu, quan điểm của dự án Luật; rà soát kỹ và chỉnh lý phù hợp phạm vi điều chỉnh, đảm bảo không trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan trực tiếp. Thứ trưởng lưu ý các quy định của dự thảo luật cần phù hợp với các chính sách đã được thông qua; đối với các nội dung mới cần đánh giá tác động chính sách bổ sung.

Thứ trưởng đã chỉ ra một số quy định của dự thảo Luật Giá không tương thích với Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự đồng thời yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Nghị định quy định chức năng, quyền hạn của các Bộ để đảm bảo phân cấp, phân quyền hợp lý.

Ngoài ra, cần quy định rõ điều kiện thành lập doanh nghiệp/chi nhánh thẩm định giá, tiêu chí để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá cho doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, khả thi và phù hợp với Luật Đầu tư.

Tuệ Minh