Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Máy móc không thay thế con người mà chỉ làm nổi bật những cái máy móc không thể thay thế con người

26/08/2024 13:19

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc chuyển đổi số thì phải định nghĩa lại mọi nghề nghiệp: "Định nghĩa nghề nghiệp là đưa nghề nghiệp vào trong một cái hộp khép kín, là giới hạn nó. Bởi vậy, phải luôn tái định nghĩa nghề nghiệp để mở không gian cho nó".

Dưới đây là bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số thì phải định nghĩa lại mọi nghề nghiệp

Về mở rộng khái niệm nghề nghiệp. Đã chuyển đổi số thì phải định nghĩa lại mọi nghề nghiệp. Khái niệm là một cái hộp. Định nghĩa là một cái hộp. Định nghĩa nghề nghiệp là đưa nghề nghiệp vào trong một cái hộp khép kín, là giới hạn nó. Bởi vậy, phải luôn tái định nghĩa nghề nghiệp để mở không gian cho nó. Không gian mạng là không gian mới. Mọi nghề nghiệp trên không gian mạng không còn như cũ nữa. Ai biết định nghĩa lại nghề của mình sớm hơn người khác thì người đó có cơ hội hơn. Định nghĩa lại nghề nghiệp, lĩnh vực của mình là mở rộng không gian hoạt động của mình.

Làm hạ tầng viễn thông thì nay có đến 4 loại hạ tầng phải làm, vậy là không gian đã rộng ra rất nhiều.

Làm bưu chính thì thành hạ tầng thiết yếu để đảm bảo dòng chảy vật chất tương ứng dòng chảy dữ liệu, vậy là đã đặt bưu chính ngang với viễn thông, vậy là đã đặt ra ánh xạ 1-1 giữa dòng chảy dữ liệu và dòng chảy vật chất. Không gian rộng lớn hơn hàng chục lần. Đặt bưu chính là hạ tầng của thương mại điện tử, vậy là bưu chính đã trở thành hạ tầng của lĩnh vực chính của kinh tế số.

Làm chuyển đổi số mà chỉ làm như CNTT là số hóa giấy tờ, chỉ xử lý thông tin thì không gian rất hẹp. Làm chuyển đổi số là số hóa toàn bộ thế giới thực, tạo ra ánh xạ 1-1 và tương tác giữa thế giới thực và thế giới số, rồi sau đó dùng phân tích dữ liệu lớn, dùng AI thay đổi cách thức vận hành kinh tế - xã hội trên môi trường số và cả trên môi trường thực thì không gian sẽ lớn hơn hàng ngàn lần.

Làm an toàn thông tin mà chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống CNTT thì cũng rất hẹp. Làm an toàn thông tin là cấy các giải pháp, các công nghệ an toàn thông tin vào từng thiết bị số từ lúc thiết kế ra nó, là cấy các giải pháp và công nghệ an toàn thông tin vào các lớp của hạ tầng số từ lúc thiết kế ra nó, là cấy các giải pháp, công nghệ an toàn thông tin vào từng nền tảng số từ lúc thiết kế ra nó. An toàn thông tin muốn phổ cập thì phải là dịch vụ. Coi an toàn thông tin là chiến tranh nhân dân thì phải phát triển ra các công cụ cho từng người dân dùng để họ tự bảo vệ họ và bảo vệ Tổ quốc. Làm an toàn thông tin là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Nếu vậy thì phải thành cường quốc về an toàn thông tin, nếu vậy thì phải đi ra nước ngoài, cạnh tranh được với các tập đoàn toàn cầu về an toàn thông tin. Nếu nghĩ như vậy thì lĩnh vực an toàn thông tin sẽ rất rộng.

Nếu nghĩ làm báo là viết báo, đưa tin thì vẫn như cũ, vẫn 40.000 người viết báo. Nếu nghĩ tờ báo là nền tảng làm báo, 80% việc bếp núc của làm báo là do nền tảng hỗ trợ, thì sẽ có 4 triệu người viết báo. Cơ quan báo chí thành người biên tập là chính, thành người tạo ra các công cụ bếp núc cho người viết, tạo ra các công cụ phân tích, đánh giá cho người biên tập, dân công nghệ vì thế sẽ 20-30-40% quân số cơ quan báo chí. 4 triệu người viết báo thì bức tranh toàn cảnh Việt Nam sẽ hiện lên, 4 triệu người viết báo thì mới có nhiều câu chuyện chân thực và hay được kể. Nghề báo bây giờ phải kể được các câu chuyện hay, lay động lòng người hơn là chỉ đưa tin. Vậy nghề báo bây giờ là nghề hơn cả tin tức. Nghề báo trước đây là viết cái mình đang có thông tin, nay nghề báo lại là phân tích hàng trăm triệu thông tin trên không gian mạng để biết xu thế thông tin mà viết bài định hướng.

Nếu làm thông tin đối ngoại mà chỉ tập trung vấn đề biển đảo thì rất hẹp. Nếu làm thông tin đối ngoại là để thế giới biết, hiểu về Việt Nam, không chỉ Việt Nam hôm nay mà Việt Nam 4000 năm thì không gian của thông tin đối ngoại đã khác. Nếu làm thông tin đối ngoại là để người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư thì lại thêm một câu chuyện nữa. Nếu làm thông tin đối ngoại là để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài thì lại có thêm việc để làm. Nếu làm thông tin đối ngoại là để dân Việt Nam biết chỗ tốt mà đi học, đi du lịch thì có làm không? Và làm thông tin đối ngoại là giúp Việt Nam không có chiến tranh, góp phần cho hòa bình thế giới thì đó là nhiệm vụ cao cả. Nếu làm thông tin đối ngoại là làm ra tất cả những cái trên thì không đủ lực để làm. Nhưng nếu nghĩ thông tin đối ngoại là thu thập, tổng hợp lại những cái mà nhiều người khác đã làm, đang tản mạn khắp nơi thì việc của thông tin đối ngoại sẽ dễ hơn, khả thi hơn.

Nếu nghĩ làm xuất bản chỉ là làm sách thì nghề xuất bản vẫn như cũ. Nếu tính tiền sách theo số trang thì làm sách vẫn theo cách cũ, tri thức đang có xu thế bị loãng ra, tốn thời gian để nạp tri thức vào não, người ta xa lánh sách cũng một phần vì lý do này. Nếu nghĩ tri thức cần "cô đặc" lại thì làm sách sẽ khác đi. Nếu đọc sách để tích lũy tri thức trước rồi đến lúc cần mang ra dùng thì đọc sách vẫn như cũ. Nếu nghĩ làm trước, gặp khó thì hỏi trợ lý ảo, làm xong việc mới đọc sách để hiểu sâu hơn thì cả việc đọc và việc làm sách cũng sẽ khác đi. Vậy cái trợ lý ảo tri thức ấy nhà nước quản lý thế nào? Vậy là xuất hiện câu chuyện quản lý mới, việc mới cho xuất bản.

Nếu nghĩ thông tin cơ sở là loa phường, loa xã thì có vẻ giống như thời chiến tranh. Nhiều người nghĩ đây là hệ thống truyền thông cổ lỗ sỹ, không hiệu quả. Nhưng nếu nghĩ hệ thống loa phường, xã được quản lý tập trung, tự động hóa thì nó trở thành một kênh thông tin lớn nhất, lớn hơn rất nhiều lần các kênh thông tin khác. Một tờ báo, một kênh truyền hình, phát thanh tại một thời điểm cũng chỉ vài triệu người nghe và xem, nhưng trên hệ thống này sẽ là 60-70 triệu người nghe cùng một lúc. Hiệu ứng sẽ lớn đến mức nào! Hệ thống loa phường, xã nếu biết dùng đúng lúc, đúng việc thì sẽ là nguồn lực truyền thông lớn nhất và hiệu quả nhất, và riêng có của Việt Nam.

Nếu nghĩ bây giờ mọi thứ online hết rồi, 200.000 cộng tác viên tại các cơ sở thôn xã không còn ý nghĩa nữa thì thấy hết vai trò của thông tin cơ sở. Nhưng nếu nghĩ con người càng online bao nhiêu thì nhu cầu trực tiếp càng lớn bấy nhiêu, nếu nghĩ online không làm chết offline mà làm hồi sinh offline thì đội ngũ 200.000 con người kia đáng quý biết bao. Máy móc không thay thế con người mà chỉ làm nổi bật những cái máy móc không thể thay thế con người.